Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dinh dưỡng cho trẻ đang điều trị ung thư


Điều trị ung thư là quá trình khó khăn và gian khổ, đặc biệt là với trẻ em vì chúng phải chịu đựng những đau đớn về thể xác và tổn thương về tinh thần. Do vậy, trong giai đoạn này, trẻ rất cần sự hỗ trợ và chăm sóc của các thành viên trong gia đình.


Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ trong quá trình điều trị ung thư đóng vai trò rất quan trọng vì chúng ảnh hưởng đến hiệu quả của phương pháp điều trị cũng như chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Trẻ em cần có chế độ dinh dưỡng đúng đắn trong suốt các giai đoạn phát triển của cơ thể. Đây cũng là yếu tố cần thiết giúp những bệnh nhi đang bị ung thư đủ sức đương đầu với quá trình điều trị vô cùng khó khăn. Mục tiêu của việc chăm sóc về dinh dưỡng cho trẻ trong trường hợp này chính là giúp chúng đạt được trọng lượng và sự phát triển bình thường một cách cơ bản nhất, tiếp tục duy trì được những hoạt động bình thường của cơ thể và ngăn ngừa những rắc rối về sức khỏe có thể nảy sinh.


Những khó khăn mà các bậc phụ huynh phải đối mặt khi chăm sóc trẻ đang bị ung thư:
Quá trình điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến cảm giác ngon miệng, khả năng ăn uống của trẻ cũng như khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể. Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn này thật sự là một nhiệm vụ khó khăn vì có thể gặp phải những rắc rối sau:

- Trẻ bị những khối u ở đường tiêu hóa (miệng, bao tử, ruột) sẽ có nguy cơ thiếu hụt chất dinh dưỡng khá cao.

- Buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy hay táo bón, không ngon miệng có thể là do phương pháp điều trị ung thư như xạ trị, hóa trị hoặc phẫu thuật gây ra.

- Trẻ có thể thấy khó nhai hoặc nuốt khi miệng, cổ họng và thực quản của chúng trở nên quá khô hoặc bị đau nhức.

- Các phương pháp điều trị ung thư cũng có thể ảnh hưởng đến vị giác.

- Trẻ có thể mất đi cảm giác yêu thích thức ăn nếu chúng không được phép ăn uống khi tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.


Làm thế nào để giúp trẻ có đủ chất dinh dưỡng thiết yếu trong và sau quá trình điều trị bệnh?
Có nhiều cách giúp trẻ có đủ chất dinh dưỡng mà chúng cần. Biện pháp hữu hiệu nhất chính là cung cấp chất dinh dưỡng thông qua những loại thực phẩm lành mạnh. Nếu trẻ gặp rắc rối khi ăn bằng miệng, bạn có thể xay nhuyễn thức ăn và cho trẻ ăn bằng ống hút. Nhiệm vụ khó khăn nhất chính là buộc trẻ phải ăn trong mọi tình huống, dù là khó khăn nhất. Bạn có thể thực hiện những bí quyết nhỏ dưới đây để giúp trẻ ăn tốt hơn:

- Cố gắng tạo ra niềm vui trong lúc cho trẻ ăn bằng cách bài trí những món ăn có hình thù ngộ nghĩnh như trái tim, ngôi sao hay quả bóng...

- Dùng những loại trái cây và rau xanh có nhiều màu sắc. Hãy dùng rau, củ, quả tươi để trẻ tự bóc vỏ thay vì dùng loại đã được đóng hộp và để lạnh.

- Trộn trái cây tươi vào kem, sữa chua... để trẻ cảm thấy ngon miệng hơn.

- Đậy kín các loại nước uống và để con bạn uống bằng ống hút.

- Cố gắng thay đổi nơi trẻ ngồi ăn. Bạn có thể cho trẻ ngồi ăn trong phòng hoặc tham gia các buổi picnic ngoài trời. Hãy mời thêm bạn bè và người thân tham gia vào các bữa ăn.

- Cho trẻ ăn những bữa nhỏ và thường xuyên trong cả ngày.

- Giữ cho miệng trẻ luôn sạch sẽ bằng cách thường xuyên đánh răng và súc miệng.

- Khuyến khích trẻ ăn những món ăn lỏng, có nhiều nước để ngăn ngừa tình trạng mất nước.


Làm thế nào để phục hồi những tế bào đã bị hư tổn?
Trong suốt quá trình điều trị ung thư, một số tế bào khỏe mạnh có thể bị tổn hại. Do đó, cơ thể cần có thêm protein để khôi phục lại các tế bào và những mô tế bào bị hư tổn. Danh sách những thực phẩm giàu protein bao gồm thịt, thịt gia cầm, cá, trứng, sữa, sữa chua, phó mát, các loại đậu và hạt. Bạn có thể làm theo những gợi ý sau:

- Cho thêm bơ đậu phộng vào trái cây hoặc trộn chúng món sữa trứng.

- Chọn các loại súp, canh có sữa và cho thêm nước sốt vào rau xanh.

- Cho thêm hạt hướng dương vào kem, các loại hạt, trái cây và các món bánh ngọt tráng miệng.

- Cho thêm trứng luộc vào các món súp, rau trộn hoặc nui.

- Thêm đậu Hà Lan, đậu xanh và các loại đậu khác vào món canh, súp và rau trộn.


Làm thế nào để kiểm soát sự tăng cân ở trẻ?
Một số trẻ có thể tăng cân trong quá trình theo đuổi việc điều trị bệnh ung thư. Điều này có thể xuất phát từ việc sử dụng một số loại thuốc nhất định, những loại thuốc steriod hoặc những phương pháp hóa trị. Một số bí quyết dưới đây sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này:

- Cố gắng đi dạo mỗi ngày cùng trẻ.

- Cắt giảm kích cỡ khẩu phần ăn.

- Tập trung vào những thức ăn có nguồn gốc từ thực vật như rau xanh, lương thực thô, trái cây, các loại đậu và đậu Hà Lan.

- Chọn những sản phẩm làm từ thịt nạc và sữa ít béo.

- Cắt giảm những bữa ăn vặt giàu calo giữa các bữa ăn chính.


Chế độ dinh dưỡng dành cho trẻ bị suy yếu hệ miễn dịch
Trong suốt thời kỳ điều trị bệnh ung thư, khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể có thể bị suy yếu, dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng. Sau đây là những loại thực phẩm mà trẻ không nên ăn trong giai đoạn bị bệnh.

- Thịt sống và chưa được nấu chín.

- Sữa và những sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng, bao gồm cả phó mát và sữa chua.

- Rau sống và trái cây chưa rửa, có nấm mốc.

- Tất cả các loại rau mầm hoặc giá sống.

- Mật ong sống hoặc chưa được hâm nóng và mật ong lấy trực tiếp từ tổ chưa tiệt trùng.

- Thực phẩm chức năng bổ sung chất dinh dưỡng và những sản phẩm làm từ thảo mộc.

- Nước lấy từ suối, trừ trường hợp chúng được kiểm tra hàng năm và được xác định là an toàn.

- Các loại hạt chưa được rang và hạt đã rang nhưng còn vỏ.

- Các sản phẩm bánh ngọt, bánh nướng không được bảo quản lạnh và có nhiều kem.


Một chế độ dinh dưỡng tốt là yêu cầu quan trọng trong quá trình điều trị bệnh cho trẻ để trẻ nhanh chóng lành bệnh và phát triển bình thường trở lại. Đây là thời kỳ trẻ cần thêm nhiều năng lượng để đủ sức đương đầu với các phương pháp điều trị và những ảnh hưởng kèm theo. Việc chăm sóc cẩn thận về mặt dinh dưỡng sẽ giúp phòng chống những bệnh lây nhiễm, giúp trẻ phục hồi sức khỏe nhanh hơn và giảm bớt thời gian lưu lại bệnh viện.


Theo PNO