Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chính sách nào để cải thiện đời sống cho giáo viên mầm non?


Suốt một thời gian dài, cấp học mầm non bị "bỏ lửng" với quan niệm là nơi trông giữ trẻ chứ không có vai trò giáo dục đào tạo. Do vậy, đội ngũ giáo viên mầm non chỉ được nhìn nhận đơn thuần là những cô nuôi dạy trẻ, ít được đào tạo và gần như "đứng ngoài lề" các chế độ đãi ngộ.


Những năm gần đây, giáo dục mầm non đã được coi là nơi làm nền tảng của nhân cách con người, xã hội và ngành Giáo dục đòi hỏi cao hơn ở những cô giáo mầm non nhưng nghịch lý tồn tại là các chế độ dành cho họ vẫn không thay đổi...


Giáo viên mầm non sống chật vật vì lương thấp.


Đã thấp lại còn cào bằng
Một ngày của các cô giáo mầm non thường từ 6h30-7h sáng, khởi đầu bằng vệ sinh phòng học. Tới giờ ăn sáng, mỗi cô phụ trách hơn 20 cháu, có khi đông hơn. 8h15 chuyển sang hoạt động thể dục, rồi học bài theo chương trình quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 10h30, các cô kê dọn bàn ghế, bê cơm cho bữa trưa. Nếu có trẻ nôn ói các cô phải lau sàn, vệ sinh cho trẻ, giặt giũ, ít nhất cũng 30 phút. 2 tiếng ngủ trưa của trẻ, các cô tranh thủ làm dụng cụ học tập vì gần như tất cả học phẩm trong trường mầm non đều là "cây nhà lá vườn".


3 tiếng còn lại của buổi chiều, cô vừa phải giúp trẻ ôn lại bài học buổi sáng, vừa cho trẻ ăn bữa phụ. Sát giờ về thì chải tóc cho từng cháu, cho trẻ đi vệ sinh rồi lau chùi phòng học, dọn toilet, kê lại bàn ghế, thu gom đồ chơi. 16-16h30 trả trẻ nhưng nhiều cha mẹ gần 6 giờ mới tới đón. Chỉ đến khi các con đã về thì cô mới được tan làm.


"Nghề con mọn" nhưng những giáo viên mầm non (GVMN) lại đang phải nhận mức lương "thấp kỷ lục", trung bình trên 1,2 triệu đồng/người/tháng, thêm khoản hỗ trợ của trường khoảng 200.000-300.000 đồng nữa, GVMN khó xoay xở để lo lắng cho bản thân và gia đình. Không chỉ có vậy, nhiều giáo viên mầm non còn rơi vào cảnh "mòn mỏi chờ đợi" được... nhận đủ 100% bậc lương dù cho khoản tiền này thực không tương xứng với sức lao động của họ.


Bởi dù có được kí hợp đồng, trong khi chờ đến đợt thi công chức, cũng chỉ nhận được 85% mức lương tối thiểu và không phụ cấp. Một giáo viên mầm non cho biết, địa phương chỉ ký hợp đồng theo đúng thời gian 9 tháng của năm học. Đồng nghĩa với việc các cô giáo hoàn toàn không có lương trong dịp hè.


Đã thấp, bậc lương này lại bị "cào bằng", người có trình độ đại học, cao đẳng đều nhận lương trung cấp. "Cái khác duy nhất so với trước khi thi biên chế là chúng tôi được nhận thêm 35% trợ cấp đứng lớp. Làm 10 nhưng hưởng chỉ 8, cuộc sống đã khó càng khó hơn" - cô Hà ( giáo viên trường mầm non Chu Văn An, Hà Nội), một cô giáo có 5 năm trong nghề tâm sự.


Bởi vậy, đầu năm học mới này, ở nhiều địa phương, GVMN đồng loạt nghỉ việc do lương quá thấp, chính sách bất cập. Điều này khiến cho không chỉ ngành giáo dục mà cả xã hội vô cùng lo lắng cho chất lượng giáo dục ở bậc học này.


Nghỉ việc vì chờ đợi mỏi mòn

Năm 2002, Chính phủ đã ban hành Quyết định 161/QĐ-TTG về "Một số chính sách phát triển mầm non". Trong đó quy định rõ GV hợp đồng được hưởng lương, phụ cấp, BHXH, BHYT, học tập, bồi dưỡng các danh hiệu tôn vinh nhà giáo như GV trong biên chế, kinh phí chi trả từ nguồn học phí và các khoản thu hợp pháp khác.


Thế nhưng, PGS-TS. Lê Thị Ánh Tuyết, nguyên Vụ trưởng Vụ GDMN, Bộ GD&ĐT cho rằng, những quy định trên chưa đi vào thực tế. Bà Tuyết nêu dẫn chứng, hiện nay, đa số GVMN ngoài biên chế không được hưởng các chế độ lương, phụ cấp và các quy định khác như GV trong biên chế có cùng trình độ đào tạo.


Và hàng loạt bất hợp lý khác như: GV hợp đồng không được tăng lương theo định kỳ (ở Hà Nội), không có phụ cấp đứng lớp (ở Hòa Bình)... Hay rất nhiều trường hợp GVMN hợp đồng của xã, của trường, chế độ đãi ngộ thấp đến mức khó tin, chỉ 300.000 - 500.000 đồng/tháng như ở Thanh Hóa, Hòa Bình... Những GV này chấp nhận mức lương thấp với hy vọng được ký hợp đồng cấp tỉnh, cấp huyện. Tuy nhiên đầu năm học này có nhiều GV nghỉ việc vì chờ đợi quá mỏi mòn!


Đại diện Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, chế độ lương của GVMN còn chưa được quan tâm đúng mức, các chế độ làm thêm giờ, ngoài giờ của GVMN ở nhiều cơ sở hầu như không được xem xét, thiếu sự công bằng trong phụ cấp đứng lớp giữa GV trong biên chế và GV hợp đồng. Nhiều nơi quần áo bảo hộ lao động cho GV và bảo mẫu không được cấp. Đội ngũ cô bảo mẫu nuôi dưỡng không được tính đến trong biên chế trường mầm non mặc dù giáo dục mầm non gồm 2 hoạt động không thể tách rời đó là nuôi dưỡng chăm sóc và giáo dục.


Chính sách nào?
Hiện nay, GVMN thiếu cả về số lượng và chất lượng. Cả nước thiếu 4.626 cán bộ quản lý và 22.811 GV đứng lớp. Tính riêng, TP. HCM hiện thiếu khoảng 800 GV cấp mầm non và tiểu học. Để giải quyết vấn đề bức thiết này, bà Lê Thị Ánh Tuyết đề xuất: "Cần có chế độ rõ ràng và chế tài đủ mạnh để đãi ngộ hợp lý với GV ngoài biên chế đặc biệt ở khu vực nông thôn. Lãnh đạo các cấp chính quyền, đặc biệt là nông thôn bên cạnh công tác quy hoạch, cần có một kết cấu đầu tư thích hợp, tận dụng nguồn lực trong nhân dân để GV làm việc theo hợp đồng, dù ở cấp nào cũng được hưởng các quyền lợi như: Được trả lương theo đúng thang bảng, được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như Nhà nước quy định; được hưởng định mức lao động theo quy định..."


Và một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non là cần có chính sách quan tâm đúng mức đến chế độ lương của GVMN để sao cho họ được trả lương không thấp hơn mức lương tối thiểu và được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Cải thiện đời sống để GV bớt gian nan cũng là cách để hình ảnh của các cô mãi đọng lại trong tâm hồn thơ bé của những đứa trẻ ở giai đoạn đầu đời.


* GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

Lương GVMN khôngđược quan tâm, khó nói chuyện nguồn nhân lực cho tương lai
Lương hoặc phụ cấp của GVMN có thể nói là thấp nhất trong toàn bộ bảng lương, phụ cấp của lao động nước ta. Theo tôi, giáo dục mầm non là vô cùng quan trọng vì phần lớn nhân cách, kỹ năng sống ở một người bình thường gần như được hình thành trong vòng 6 năm đầu tiên của cuộc đời. Vì vậy, nếu chúng ta không quan tâm, đầu tư cho giáo dục mầm non, trong đó có việc mở trường, cải cách tiền lương cho giáo viên, khó có thể mong đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.


* Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa:

Chế độ chính sách đang được làm dần
Hiện nay, các chế độ chính sách của Nhà nước đối với giáo viên đang làm dần nhưng khó khăn việc bình ổn giá, đảm bảo nhà giáo sống được bằng lương dù đã có sự nỗ lực chung của toàn xã hội. Giáo viên khó có ưu đãi theo Nghị định 61, đảm bảo nhà công vụ cho giáo viên, gắn bó với trường lớp trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Hiện Công đoàn giáo dục đang làm rất tốt. Họ có quỹ hỗ trợ cho giáo viên nghèo, miền núi. Năm nào cũng có chương trình thăm hỏi động viên, có chương trình xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, công đoàn tổ chức.


Theo Pháp Luật Vn