Tình trạng trường lớp quá tải khiến cho việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới gặp nhiều lúng túng. Những bất cập trên đã khiến cho chất lượng giáo dục mầm non còn nhiều hạn chế.
Phụ huynh xếp hàng chờ nộp hồ sơ xin học tại Trường mầm non Thanh Xuân Bắc, Hà Nội
Chương trình mới bị "làm khó"
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (GDMN), Bộ GD&ĐT nêu thực tế, các trường mầm non công lập hầu như đều trong tình trạng quá tải, ở Hà Nội có lớp lên tới 68 - 70 trẻ. Với sĩ số này, thật khó thực hiện được chương trình GDMN mới với điểm nhấn là trẻ được tăng cường hoạt động, trải nghiệm.
Theo thống kê, hiện có trên 70% số cơ sở GDMN trên toàn quốc thực hiện chương trình GDMN mới, song nhiều giáo viên vẫn duy trì phương pháp dạy cũ, nặng về diễn giải, ít tạo cơ hội cho trẻ được hoạt động.
Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ: Giáo dục cần gắn với thực tế. Ở nước ngoài, học về con bò trẻ sẽ được nhìn tận mắt con bò, nhưng ở Việt Nam vì không có thực tế nên nhiều trẻ thành phố về nông thôn, nhìn con bò lại tưởng... con chó.
Đại diện Hội Bảo vệ Trẻ em Việt Nam khi đề cập vấn đề này cũng cho rằng, đa số giáo viên khi thực hiện chương trình mới còn nhiều lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch giảng dạy và đánh giá trẻ. Nhiều trường lớp vẫn chưa đạt được yêu cầu trong thực hiện chương trình mầm non đổi mới. Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng do thiếu cân nặng và chiều cao còn cao ở những vùng khó khăn.
Nơi thừa, nơi thiếu trường
Bà Lê Thị Ánh Tuyết nêu một nghịch lý đáng lo ngại: Ngay trong nội thành Hà Nội, quy hoạch các dự án xây dựng khu dân cư đã không dành đủ quỹ đất cho các cơ sở GDMN, hoặc có dành quỹ đất cho trường nhưng thực hiện xã hội hóa, giao cho tư nhân quản lý. Nhiều trường do tư nhân quản lý đã xây dựng trường mầm non "dịch vụ chất lượng cao" và tất nhiên chỉ có con em gia đình có thu nhập cao mới vào được, còn con em gia đình có thu nhập trung bình, thấp phải tìm đến trường khác, thường là trường công lập, dù trường rất xa nhà. Như vậy, một nghịch cảnh là chỉ ngay trong địa bàn một quận, trường tư thì thừa chỗ cho trẻ học, còn trường công lập thì hầu như đều ở trong tình trạng quá tải về sĩ số cháu/lớp.
Ông Hoàng Văn Tiến cũng nêu một thực tế, khi tham gia đoàn khảo sát xây dựng chính sách cho trẻ em, ông thấy bất cập nhất là chưa tạo được ý thức trong dân về nhu cầu cho trẻ đến trường. Ở những vùng khó khăn vẫn chủ yếu phải "mời", "đón" học sinh mới đến học. Hay có những nơi rất khó khăn ở Điện Biên, Kon Tum, đầu tư khá nhiều tiền của để xây trường đẹp nhưng lại không có trẻ đến học vì trường ở quá xa khu dân cư. Không phụ huynh nào muốn sáng cõng con lội suối đến học, trưa đón về rồi chiều lại đưa đến gửi.
Cần chế tài mạnh khi quy hoạch trường
Để phát triển GDMN, bà Lê Thị Ánh Tuyết đề xuất: Cần quy hoạch phát triển cơ sở GDMN cụ thể cho từng địa bàn dân cư. Trong đó, cần tính đến tỷ lệ trường công lập/ngoài công lập, quy mô ra sao... để từ đó ban hành các chính sách về cho thuê đất, thuê cơ sở vật chất với mức giá phù hợp nhằm khuyến khích tư nhân mở các cơ sở GDMN hợp với quy mô, mức sống, nhu cầu của cộng đồng dân cư. Nếu thực hiện sẽ giải quyết được một phần thực trạng thiếu nhóm, lớp cho trẻ nhà trẻ hiện nay, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đại diện Hội Khuyến học Hà Nội kiến nghị: "Tăng định mức kinh phí bình quân trên đầu trẻ dành riêng cho lứa tuổi nhà trẻ để khuyến khích các trường công lập tiếp nhận trẻ dưới 2 tuổi. Khi quy hoạch xây dựng thành phố, khu dân cư, khu công nghiệp cần có quy hoạch xây dựng trường mần non. Tránh tình trạng cha mẹ phải đưa con đi gửi xa, không an toàn, gây ách tắc giao thông".
Ông Hoàng Văn Tiến đề xuất, năm 2012, với việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, cũng cần có chính sách xây dựng nhà trẻ cho khu công nghiệp, trẻ di cư; trẻ có H, trẻ khuyết tật... đáp ứng đủ nhu cầu đi học của trẻ. Đặc biệt, có chính sách ưu tiên các vùng miền khó khăn để từng bước xóa khoảng cách chênh lệch trong chất lượng GDMN ở các vùng miền.
Ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: Việc đưa ra chính sách phát triển GDMN là cần thiết nhưng chưa đủ. Phát triển GDMN từ 0 tuổi trở đi chứ không phải chỉ tập trung ở 5 tuổi như chúng ta đang làm. Cần có chính sách hỗ trợ để phát triển mạng lưới mầm non tư thục. Muốn vậy, chế tài của Nhà nước phải mạnh thì mới thực hiện được./.
Năm học 2006 - 2007, tỷ lệ trẻ đến các nhóm, lớp là 19,42% thì năm học 2010-2011 tỷ lệ này chỉ đạt 21,5%. Hiện nay, ở khu vực đông dân cư trong thành phố, thị xã, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở GDMN, đặc biệt là nhà trẻ, nhóm trẻ cho các phụ huynh có thu nhập trung bình, thu nhập thấp rất thiếu. Thực trạng này hầu như bị thả nổi và chưa có giải pháp tháo gỡ. (Bà Lê Thị Ánh Tuyết, nguyên Vụ trưởng Vụ GDMN, Bộ GD-ĐT).
Theo Báo TNVN