Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tính toán lượng muối trên đồ ăn sẵn


Nếu có thói quen đọc nhãn sản phẩm, bạn sẽ tìm được những loại thực phẩm tốt cho em bé nhà bạn. Hãy nhìn vào số lượng muối cho 100g. Muối cũng được viết dưới dạng natri trên nhãn thực phẩm.

Cách để bạn quy đổi và tính toán như sau:
- 2,5g muối tương đương 1g natri.
- Nồng độ muối cao là hơn 2,5g muỗi mỗi 100g (tương đương cao 0,6g natri).
- Nồng độ muối thấp là dưới 0,3g muối mỗi 100g (tương đương thấp hơn 0,1g natri).


Lượng muối theo độ tuổi
Trước 6 tháng tuổi, bé đã nhận đủ lượng muối bé cần từ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Khi ăn dặm, không thêm muối vào bột tự nấu hoặc bột mua sẵn, ngay cả khi bạn nếm thấy vị của nó nhạt nhẽo.


Cha mẹ không nên thêm muối vào đồ ăn dặm của bé. Bé chỉ cần một lượng muối rất nhỏ (ít hơn 1g muối, tương đương 0,4g natri) mỗi ngày cho đến khi bé được 1 tuổi. Bởi vì ở tuổi này, thận của bé không thể đối phó với lượng muối nhiều hơn thế.


Bé mới biết đi cũng cần rất ít muối. Sau sinh nhật đầu tiên, số lượng muối tối đa dành cho bé là 2g (tương đương 0,8g natri) mỗi ngày.


Cẩn thận với đồ ăn nhiều muối
Hãy cẩn thận với đồ ăn dành cho người lớn, chẳng hạn ngũ cốc ăn sáng dành cho người lớn và nước sốt mì ống có thể chứa nhiều muối. Thức ăn chế biến sẵn, chẳng hạn như ngũ cốc ăn dặm tuy có hàm lượng muối thấp nhưng bạn không nên thêm muối vào quá trình chế biến. Điều quan trọng là không dùng đồ ăn cho bé mới biết đi để cho bé nhỏ hơn ăn. Bởi vì đồ ăn của bé chập chững có thể chứa lượng muối cao; do đó, không thích hợp cho bé giai đoạn nhỏ hơn.


Không cung cấp cho bé thứ có nhiều muối, chẳng hạn như: Bữa ăn sáng dành cho người lớn và bé lớn; bánh nướng, bánh quy giòn; soup dành cho người lớn; nước thịt, nước sốt dành cho người lớn; bánh pizza; thịt xông khói, khoai tây chiên...


Cho em bé của bạn ăn những thực phẩm ít muối, chẳng hạn: hoa quả, rau và salad; thịt luộc, thịt gia cầm, cá tươi luộc (hấp) chín, xắt nhỏ; trứng luộc chín, xắt nhỏ; sữa công thức của bé; các loại đậu đỗ hấp chín nhừ...


Một số loại rau quả đóng hộp có nhiều muối. Vì thế, hãy kiểm tra trên bao bì sản phẩm. Mỳ gạo và mỳ ống có chứa ít muối với điều kiện bạn không cần nêm muối vào khâu chế biến.


Theo mevabe