Trẻ khi mới bắt đầu ăn thô sẽ cần những thức ăn có vị gần giống với sữa mẹ: hơi ngọt và béo. Dĩ nhiên chúng cũng phải mềm, dễ nuốt. Và chuối, khoai lang, bơ tươi hay trứng, phô-mai, ngũ cốc...thực sự thích hợp cho trẻ ở lứa tuổi 4-6 tháng.
Nếu bạn còn bối rối khi lựa chọn thức ăn giặm cho bé trong thời gian đầu, khi mới bắt tay vào việc cho bé ăn thô, thì những thực phẩm sau đây là gợi ý hoàn hảo. Mềm và chứa những chất dinh dưỡng cần thiết cho bé, chuối, bơ, trứng, cà rốt...thực sự thích hợp cho trẻ lứa tuổi ăn giặm.
Chuối
Chuối có đầy đủ carbohydrate, cung cấp năng lượng bền vững cũng như chất xơ để hỗ trợ một hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Có thể xem chuối là một loại "thức ăn đóng hộp" tự nhiên tuyệt hảo, bạn có thể đem theo khi đi chơi, đi xa. Với bé còn nhỏ và mới bắt đầu ăn giặm, tốt hơn hết, bạn nên mài hoặc nghiền nhuyễn chuối, hấp chín mới cho bé dùng. Bạn cũng có thể dùng thìa nạo phần bột chuối bên ngoài cho bé ăn, bỏ lõi. Với bé lớn hơn, bạn có thể xắt hạt lựu cho bé dùng ngay, nhưng phải chắc chắn rằng chuối đã chín muồi.
Khoai lang
Khoai lang cung cấp kali, vitamin C, chất xơ và một nguồn beta-carotene tuyệt vời. Hầu hết các bé thích khoai lang hơn các loại rau củ khác vì vị ngọt của chúng. Khi nấu chín và nghiền, khoai lang nhuyễn mịn mà dễ ăn, ngay cả đối với các bé chỉ mới bắt đầu chuyển sang chế độ ăn thô.
Trái bơ
Bơ cũng chứa các chất dinh dưỡng nhiều hơn bất cứ loại thực phẩm nào trong nhóm rau củ. Trái bơ có hàm lượng protein cao nhất trong các loại trái cây và giàu chất béo không bão hòa đơn - loại "chất béo tốt" giúp ngăn ngừa bệnh tim. Dĩ nhiên bạn chỉ nên cho bé dùng bơ chín. Hãy rửa bên ngoài, sau đó lột vỏ và nghiền kỹ. Tuy nhiên, vì chứa nhiều chất béo nên bơ dễ tạo cảm giác no ngang. Tốt hơn hết, chỉ cho bé dùng như món ăn kèm cùng với cháo, súp hoặc nui chẳng hạn, để đảm bảo bé no thực sự.
Trứng
Trứng là loại thực phẩm "đóng gói" hoàn. Lòng trắng trứng chủ yếu là protein, còn lòng đỏ cung cấp kẽm và vitamin A, D, E, và B12. Lòng đỏ cũng chứa choline, một chất mà các nghiên cứu cho thấy là rất quan trọng cho sức khỏe não bộ và sự phát triển của bé. Theo truyền thống, bác sĩ nhi khoa khuyên các bậc cha mẹ không nên cho trẻ ăn trứng - đặc biệt là lòng trắng trứng - cho đến sau 1 tuổi vì khả năng dị ứng. Nhưng lời khuyên bây giờ có thay đổi một chút. Một số chuyên gia tin rằng, trứng chỉ nên thận trọng đối với các bé mà gia đình có tiền sử dị ứng. Dù thế nào thì trứng cũng là một nguồn chất đạm tuyệt vời và các chất dinh dưỡng khác, vì thế, bạn nên hỏi ý bác sĩ nhi khoa một khi em bé bắt đầu ăn thức ăn thô để xem khi nào có thể cho bé dùng trứng.
Cà rốt
Cà rốt có hàm lượng beta-carotene rất lớn nhờ thành phần màu cam của chúng. Beta-carotene sẽ chuyển đổi thành vitamin A trong cơ thể và đóng một vai trò trong sự phát triển và một đôi mắt khỏe mạnh. Cà rốt khi nấu lên có vị ngọt tự nhiên hấp dẫn trẻ sơ sinh, vốn đã quen với hương vị ngọt ngào của sữa mẹ. Khi nấu cà rốt cho bé của bạn, hãy nấu đến khi mềm kỹ, sau đó nghiền nhuyễn. Hoặc nếu bé đã ăn bốc được, bạn có thể nấu chín rồi thái hạt lựu, miễn sao bé có thể nhai bằng... lợi là được.
Sữa chua
Sữa chua cung cấp cho bé của bạn protein, canxi và phốt-pho, vốn rất quan trọng đối với một bộ xương và răng khỏe mạnh. Sữa chua cũng có các loại vi khuẩn tốt giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa và hệ thống miễn dịch. Nên lưu ý, bé cần chất béo trong khẩu phần ăn, vì thế, không nên chọn loại sữa chua ít béo hoặc không béo. Ngoài ra, tránh những loại sữa chua có hương vị hoặc nhiều đường. Nếu muốn thêm hương vị, bạn có thể trộn sữa chua với một ít trái cây nghiền. Trẻ dưới một tuổi có thể có phản ứng với các protein sữa trong sữa chua. Nên nói chuyện với bác sĩ nhi trước khi cho bé dùng.
Phô-mai
Cũng như sữa chua, phô-mai là nguồn cung cấp protein - một chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển - và canxi để kiến tạo xương và răng. Phô-mai cũng chứa một lượng khá lớn riboflavin (vitamin B2) giúp chuyển đổi protein, chất béo và carbohydrate thành năng lượng. Tuy nhiên, ở lứa tuổi vừa bắt đầu ăn giặm, chỉ nên cho bé dùng phô-mai tươi mềm, không nên cho bé dùng phô-mai cứng.
Ngũ cốc trẻ em
Đây vốn là các loại ngũ cốc (cereal) đóng gói dành riêng cho trẻ em, ở Việt Nam cũng thường có bán với các hiệu như Gerber, Netslé, Heinz... Ngũ cốc tăng cường chất sắt cho trẻ sơ sinh cho em bé của bạn, giúp tăng trưởng và phát triển hợp lý. Em bé vốn được sinh ra với một nguồn cung cấp sắt, nhưng nó bắt đầu bị thải hồi khỏi cơ thể khi bé khoảng 5-6 tháng. Sữa mẹ không chứa đủ lượng sắt, trong khi các loại thực phẩm giàu chất sắt rất quan trọng. Nếu em bé của bạn chỉ mới bắt đầu ăn thô, các chuyên gia khuyên bạn nên cho bé dùng ngũ cốc gạo tăng cường chất sắt làm thực phẩm đầu tiên vì nó ít có khả năng gây dị ứng hơn so với các loại ngũ cốc khác. Khi bé lớn hơn, bạn có thể trộn ngũ cốc cho trẻ sơ sinh với trái cây. Bạn cũng có thể làm sánh các loại súp vốn hay vữa như lê, đào, mận... với loại ngũ cốc này.
Theo Tạp chí Món Ngon Việt Nam