Hiện nay toàn Hà Nội có 6 trường mầm non (MN) công lập đang hoạt động theo mô hình cung ứng dịch vụ chất lượng cao trên tổng số 683 trường mầm non công lập.
Chủ trương của thành phố về việc phát triển một số ngành dịch vụ chất lượng cao được đặt ra từ năm 2006, nhưng chưa thể nhân rộng với vướng mắc chính là thiếu hành lang pháp lý.
"Chất lượng cao", nhưng chưa chính danh
Là 1 trong 6 trường áp dụng mô hình cung ứng dịch vụ chất lượng cao của Hà Nội, Trường MN Mai Dịch (quận Cầu Giấy) có diện tích gần 7.000m2, được đầu tư lớn về cơ sở vật chất, cung cấp các dịch vụ chăm sóc trẻ như ăn sáng, tiệc buffet, tắm rửa, đón sớm, trả muộn, trông tối, trông thứ bảy, áp dụng phương pháp dạy học mới của trường quốc tế... Trường này thu học phí 850.000 đồng/ tháng với trẻ nhóm mẫu giáo và 1 triệu đồng/tháng với trẻ nhóm nhà trẻ. Còn Trường MN 20.10 (quận Hoàn Kiếm) có diện tích hơn 4.500m2 có đủ các phòng chức năng như phòng tin học, phòng học tiếng Anh, âm nhạc và cũng cung cấp các loại hình chăm sóc trẻ như tổ chức ăn sáng, đón sớm trả muộn, bổ sung dinh dưỡng theo yêu cầu của phụ huynh. Trường cũng tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển kỹ năng sống, tham quan, dã ngoại...
Theo bà Phạm Thị Hồng Nga - Phó GĐ Sở GDĐT Hà Nội - chủ trương áp dụng mô hình cung ứng dịch vụ chất lượng cao trong các trường học nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân có khả năng đóng góp với nhà trường để nâng cao chất lượng chăm sóc, học tập của con em, đồng thời nhằm giảm gánh nặng đầu tư bằng ngân sách của thành phố. Cũng theo bà Nga, những trường này hiện được đánh giá là dẫn đầu về chất lượng trong toàn thành phố. Tuy nhiên, "để đánh giá đây có phải là những trường MN chất lượng cao hay không thì còn phải xem xét nghiên cứu" - bà Nga cho biết.
Ngành GDĐT Hà Nội cần phải sớm xây dựng được khung chương trình trường mầm non chất lượng cao. Ảnh: L.Q.V
Khó nhân rộng?
Chính vì còn phải tiếp tục "đánh giá, nghiên cứu" xem đây có thực sự là mô hình trường chất lượng cao hay không, nên dù đã triển khai nhiều năm nay nhưng Hà Nội vẫn chưa thể nhân rộng, bởi chưa định hình được cho dịch vụ này. Trong 6 trường MN thực hiện thí điểm mô hình trường cung ứng dịch vụ chất lượng cao, tự chủ tài chính thì mới chỉ có 3 trường được UBND quận phê duyệt đề án.
Theo phản ánh của các trường này, để có thể hoạt động thí điểm theo mô hình cung ứng dịch vụ chất lượng cao, thì hầu hết đều gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi. Bà Bùi Thị Vân Anh - Trưởng phòng GDĐT quận Cầu Giấy - cho biết: "Việc khó khăn nhất là thuyết phục lãnh đạo địa phương phê duyệt đề án mô hình thí điểm chất lượng cao với mức học phí cao hơn quy định học phí đại trà và sự thiếu cơ sở khẳng định đây là trường chất lượng cao và mô hình này khác biệt gì so với hoạt động trước đó của cùng một trường". Theo bà Vân Anh, dự định xây Trường MN Hoa Hồng trên địa bàn phường Nghĩa Tân theo mô hình này đã thất bại dù đã tiến hành điều tra xã hội, lấy ý kiến phụ huynh. Tuy nhiên, UBND phường sở tại không phê duyệt vì cho rằng đây là trường công lập, đang đáp ứng tốt nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn nên không muốn chuyển đổi, đặc biệt là phải đóng học phí cao hơn.
Trong khi đó, trong thực tế hiện nay ở HN có thể dễ nhận thấy không ít trường MN tư thục trên tổng số 170 trường tư thục đang hoạt động tự quảng cáo về dịch vụ chất lượng cao hoặc gắn với yếu tố nước ngoài để nâng mức học phí chênh lệch rất lớn so với trường công lập dù phải đi thuê địa điểm, không có sân chơi ngoài trời cho trẻ, các phòng học nhỏ...
Có thể thấy, để giúp các trường có cơ sở pháp lý hoạt động và nhân rộng mô hình này, ngành GDĐT Hà Nội cần phải sớm xây dựng được khung chương trình chất lượng cao và từ đó đưa ra khung học phí thích hợp có thể thuyết phục được người dân cũng như chính quyền các cấp.
Theo Lao Động