Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

5 quan niệm thường gặp về bệnh sốt xuất huyết


Sốt cao là biểu hiện của nhiều bệnh nhiễm trùng khác nhau, tác nhân gây bệnh có thể là vi khuẩn hoặc siêu vi.

1. Trong mùa mưa trẻ sốt cao là do mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH). SAI

Sốt cao là biểu hiện của nhiều bệnh nhiễm trùng khác nhau, tác nhân gây bệnh có thể là vi khuẩn hoặc siêu vi. Tuy nhiên, trong mùa mưa cần lưu ý đặc biệt đến SXH vì bệnh này diễn tiến với nhiều bất ngờ, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.

2. Trẻ sốt cao nên để ở nhà theo dõi và cho uống thuốc hạ sốt, 2-3 ngày sau không hết sốt mới đưa đến bệnh viện khám. SAI

Vẫn phải đưa trẻ đi khám bệnh ngay để tìm nguyên nhân gây sốt. Bởi đó có thể chỉ là sốt thông thường do mọc răng hoặc là triệu trứng của căn bệnh phức tạp khác. Trường hợp sốt do bệnh SXH thì việc đưa đến bệnh viện điều trị sớm khi có biến chứng sẽ giảm đáng kể tỉ lệ tử vong.

3. Thuốc hạ sốt nào cũng dùng được cho trẻ nhỏ. SAI

Thuốc hạ sốt an toàn nhất cho trẻ là nhóm Acetaminophen (Paracetamol, Acemol...). Không nên cho trẻ dùng các loại thuốc hạ sốt chứa Aspirine, vì tác dụng phụ của thuốc này là gây xuất huyết, do đó nếu dùng cho một trẻ đang bị SXH thì cực kỳ nguy hiểm. Tuy nhiên, khi trẻ sốt, ngoài sử dụng thuốc cho trẻ, các bậc cha mẹ cũng nên kết hợp với việc lau mát vì phương pháp tự nhiên này rất an toàn và khá hiệu quả.

4. Cả trẻ em và người lớn đều có thể bị SXH. ĐÚNG

Ở độ tuổi nào cũng có nguy cơ mắc bệnh SXH. Trước đây, bệnh này thường gặp ở trẻ em nhưng nay người lớn cũng mắc bệnh SXH khá nhiều.

5. Vệ sinh môi trường quanh nhà là biện pháp phòng chống SXH tốt nhất. ĐÚNG

Vì những góc nhà bẩn, lu đựng nước lâu ngày... là nơi trú ngụ của muỗi và lăng quăng. Dọn sạch những nơi này muỗi không còn chỗ phát triển, như thế bệnh SXH khó có thể xảy ra.

Thùy Dương (Theo bác sĩ Trần Thị Việt, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM)
NLĐ