Một số bà mẹ hay có thói quen dùng nước rau luộc để pha sữa cho bé với mong muốn con mình sẽ nhận được thêm một số chất dinh dưỡng từ nước rau để giúp cho bé phát triển tốt hơn.
Vậy điều này có đúng không?
Theo một số nghiên cứu, thành phần chủ yếu của nhóm rau lá gồm: nước (chiếm tỷ lệ cao, 80 - 90%); nhóm chất cung cấp năng lượng và cấu trúc cơ thể như bột đường (hàm lượng thấp, đa số dưới 4%), tinh bột, chất xơ (chiếm tỷ lệ cao, thay đổi tuỳ rau), pectin. Chất xơ kết hợp với pectin tạo thành một phức hợp có chức năng kích thích nhu động ruột và gia tăng bài tiết dịch vào lòng ruột, giúp tăng bài xuất cholesterol ra khỏi cơ thể, giúp nhuận trường tốt; nhóm chất đạm (hàm lượng dao động, thường dưới 4%); vitamin (nhóm B, C, K...), muối khoáng và các chất khác (axit folic, một số carotenoids, lutein, zeaxanthin, flavonoids và chất chống oxy hoá giúp ngăn ngừa ung thư). Riêng yếu tố vi lượng thay đổi tuỳ điều kiện nuôi trồng, có thể chứa kali, natri, canxi, magiê, sắt, iốt...
Khi luộc rau, phần nước chủ yếu chỉ chứa các yếu tố vi lượng, các vitamin tan trong nước (rất dễ mất nếu không chế biến rau đúng cách) còn nhóm chất bột đường và đạm thì hàm lượng rất thấp. Do đó, không nên sử dụng nước luộc rau để pha Sữa cho bé vì vừa không đủ dinh dưỡng và vừa làm cho thận của bé, vốn đã yếu ớt phải hoạt động nhiều hơn để có thể điều hoà lượng khoáng chất có nồng độ khá cao trong nước rau. Chưa kể, một số loại rau có nhiều oxalate có thể ngăn cản cơ thể hấp thu canxi từ sữa.
Cũng nên lưu ý, rau lá có tính chất dễ giập nát nên dễ bị nhiễm khuẩn E. Coli và Salmonella từ việc tưới phân tươi trực tiếp lên lá và nhiễm độc từ hoá chất bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất, bảo quản không đúng cách. Vì vậy, khi chế biến, rất cần lưu ý nhặt sạch rau, loại bỏ những lá giập nát nhiều, rửa từng lá, cọng dưới vòi nước.
Ths.BS Mai Quang Huỳnh Mai - Khoa dinh dưỡng, bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM
Theo SGTT