Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dưỡng chất cho tuổi lên 3


Giai đoạn mẫu giáo (từ 3 đến 6 tuổi), việc cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu để hỗ trợ bé phát triển toàn diện là vô cùng cần thiết. Nhất là đối với các bé lười ăn.


Độ tuổi lười ăn

Giai đoạn này, ngoài vấn đề thể chất, bé phát triển các tình cảm mới như tình bạn. Đây cũng là giai đoạn quan trọng để bé nhận thức, tiếp thu và học hỏi từ thế giới bên ngoài.
Đây là thời điểm các bé phát triển sức mạnh cơ bắp và thực hiện các hoạt động khó khăn, bao gồm nhảy dây, bơi lội, đi xe đạp. Các bé cao lên 6cm và tăng khoảng 1,8kg mỗi năm (số liệu trung bình). Vốn từ vựng của bé sẽ mở rộng ít nhất là 2.500 từ (thậm chí có thể là 13.000 từ). Bé đã có thể kể những câu chuyện với các câu phức tạp từ 5 đến 8 từ. Bé bắt đầu quan tâm đặc biệt đến hình ảnh, màu sắc chữ viết và số. Bé biết lắng nghe chăm chú khi những người khác đọc truyện cho bé nghe.

Vì ở trong giai đoạn phát triển toàn diện (thể chất và tinh thần) nên bé dễ dàng quên các nhiệm vụ "nhai, nuốt". Bé thường lười ăn và chỉ chú ý vào việc khám phá thế giới của riêng mình.

Các chất dinh dưỡng cần cho giai đoạn từ tuổi lên 3

Cha mẹ phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các thành phần thiết yếu như bộ 3 acid amin DHA, Taurine và Kẽm để đảm bảo trẻ có thể phát triển trí não, chiều cao và tăng cường hệ miễn dịch hoàn hảo.

DHA: Docosahexaenoic axit (DHA) là một loại omega-3 đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển hoàn thiện chức năng nhìn của mắt và sự phát triển hoàn hảo hệ thần kinh. Nghiên cứu trên động vật thí nghiệm thấy DHA có nồng độ cao trong tổ chức thần kinh như võng mạc mắt, tổ chức não.

Nếu thiếu DHA trong quá trình phát triển bé sẽ có chỉ số thông minh (IQ) thấp. Một nghiên cứu tiến hành theo dõi tới khi các bé 8-9 tuổi, người ta thấy, bé được bú sữa mẹ và ăn đủ DHA có chỉ số IQ cao hơn 8,3 điểm và tỷ lệ chậm phát triển hệ thần kinh giảm thấp hơn.

Taurine: Taurine tập trung nhiều ở não, võng mạc, cơ tim, cơ xương và cơ trơn, thận, tiểu huyết cầu và bạch cầu. Taurine được coi là axit amin thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong các chức năng của thị giác, não và hệ thần kinh, chức năng của tim.

Kẽm: Kẽm có liên quan đến quá trình trao đổi chất của tế bào. Nó là thành phần thiết yếu cho hoạt động xúc tác của khoảng 100 enzym trong cơ thể.

Kẽm đóng một vai trò quan trọng trong chức năng miễn dịch, tổng hợp protein, giúp làm lành vết thương, tổng hợp DNA và phân chia tế bào. Kẽm cũng hỗ trợ cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường trong quá trình mang thai, thời thơ ấu và tuổi thanh xuân.

Thiếu hụt kẽm thường dẫn đến các hiện tượng như chậm phát triển, mất cảm giác ngon miệng và chức năng miễn dịch bị suy yếu. Trong trường hợp nặng, thiếu kẽm chính là nguyên nhân gây rụng tóc, tiêu chảy, khả năng chữa lành các vết thương bị trì hoãn, bất thường vị giác, và tinh thần thờ ơ cũng có thể xảy ra...

Theo Mevabe