Không mấy ngạc nhiên khi rất nhiều bậc phụ huynh stress vì 'cuộc chiến' với bài tập về nhà của con.
Vào buổi tối, trẻ phải đối mặt với rất nhiều cám dỗ như: tivi phát chương trình trẻ thích hoặc cơn buồn ngủ kéo... khiến thời gian tự học và làm bài tập về nhà của trẻ bị giới hạn.
7 bí kíp hay dưới đây sẽ giúp bạn khích lệ và tạo thói quen tốt cho trẻ làm bài tập về nhà.
1. Tạo không gian riêng
Vị trí phù hợp cho việc làm bài tập về nhà của trẻ phụ thuộc vào tâm lý của trẻ rất nhiều. Trong khi, một số trẻ đạt được sự tập trung cao độ khi ngồi làm bài tập ở bàn được kê trong phòng ngủ của chúng, thì số khác cảm thấy thoải mái và tiếp thu tốt hơn ở bàn ăn hay bàn trong phòng khách... Hãy cho phép trẻ tự do chọn lựa vị trí ngồi học chúng muốn, nhiệm vụ của các bậc phụ huynh là đáp ứng đầy đủ ánh sáng và đảm bảo yên tĩnh trong phòng.
2. Cung cấp những tài liệu cần thiết
Hãy đảm bảo rằng trẻ có được mọi thứ chúng cần trên bàn học, như: hộp bút chì, tự điển, thước, máy tính, bút dạ, tẩy...
3. Lên thời gian biểu
Giúp con chọn khoảng thời gian nhất định mỗi ngày để làm bài tập. Điều này sẽ giúp trẻ hình thành thói quen và ý thức cụ thể hơn về trách nhiệm của mình. Tùy theo đặc điểm của con mà bạn có thể điều chỉnh khoảng thời gian này cho thích hợp nhất. Một số trẻ làm bài tập hiệu quả ngay sau khi đi học về, số khác lại hoàn thành tốt hơn sau khi được thư giãn, vui chơi thoải mái...
4. Giải lao giữa giờ
Sự tập trung của trẻ là ngắn hạn, vì vậy, đừng yêu cầu trẻ ngồi làm bài tập liên tục trong nhiều giờ, điều này vượt quá khả năng của trẻ. Cho phép trẻ tạm ngừng ít phút để giải lao hay chơi trò chơi mà chúng thích.
Khi làm bài tập, hãy cho phép trẻ giải lao giữa giờ bằng các trò chơi chúng thích. (Ảnh minh họa).
5. Theo sát việc học của trẻ
Theo sát không có nghĩa là bạn kè kè bên trẻ suốt thời gian trẻ làm bài tập. Hãy dành cho trẻ một khoảng thời gian nhất định để tự giác giải quyết ‘nhiệm vụ' của mình, sau đó bạn sẽ quay lại kiểm tra. Thể hiện rằng bạn luôn sẵn sàng cùng con giải quyết những vướng mắc trong khi con làm bài tập.
Nhớ rằng, bạn là người quan sát, không phải người thực hiện. Bài tập về nhà là trách nhiệm của trẻ, không phải công việc của bạn. Bạn chỉ cần trợ giúp trẻ thường xuyên, chứ không phải là người thường xuyên đưa ra câu trả lời hay làm bài tập giúp trẻ.
6. Đưa ra phản hồi tích cực
Bạn đừng tiết kiệm lời khen cho những nỗ lực và kết quả trẻ đã đạt được. Nếu phát hiện lỗi của trẻ, thay vì phê bình, bạn hãy cùng trẻ xem lại những lỗi ấy, xác định khó khăn trẻ đang gặp để giúp trẻ hoàn thành bài tập tốt hơn.
7. Giữ liên lạc với giáo viên
Biết rõ mong đợi của giáo viên của trẻ, tìm ra cách để làm bài tập ở nhà mỗi tối. Đó là câu trả lời sẽ giúp bạn xác định xem liệu con bạn có phải làm quá nhiều bài tập ở nhà hay không, trẻ có hay trì hoãn việc làm bài tập, khó khăn của trẻ trong học tập hay thậm chí khả năng của trẻ không đủ để đáp ứng yêu cầu ở một số mon học... Sau đó hãy nói chuyện với con của bạn để cháu biết bạn không chỉ yêu cầu thành tích của trẻ mà còn có khả năng hỗ trợ cho trẻ khắc phục một số khó khăn.
Theo Eva.vn