Làm việc 42 tuần/năm, thời gian nghỉ hè của giáo viên thay cho nghỉ phép hằng năm là 2 tháng, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp, trợ cấp (nếu có); Thời gian nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT); Các ngày nghỉ khác thực hiện theo quy định của Bộ Luật lao động...là những nội dung quan trọng trong Thông tư của Bộ GD-ĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên Mầm non tại các trường mầm non công lập.
Giáo viên mầm non làm việc 42 tuần/năm (Ảnh: gdtd.vn)
Theo đó, nguyên tắc về số giờ dạy mỗi giáo viên mầm non phải thực hiện trong một ngày được quy định như sau : Đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ; lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày: mỗi giáo viên phải dạy 6 giờ/ngày. Đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ; lớp mẫu giáo học 1 buổi trong ngày: mỗi giáo viên phải dạy 4 giờ/ngày và thực hiện các công việc khác do hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40h/tuần.
Đối với giáo viên dạy lớp có trẻ hòa nhập: mỗi giáo viên phải dạy theo định mức giờ dạy theo quy định trên đồng thời được tính thêm giờ dạy để hưởng phụ cấp vượt giờ căn cứ vào số trẻ hòa nhập có trong lớp. Cụ thể như sau: lớp có 1 trẻ cần dạy hòa nhập, mỗi giáo viên được tính thêm 0,5 giờ dạy/ngày.
Ngoài các công việc theo quy định về nhiệm vụ của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tại Điều lệ trường mầm non hiện hành, mỗi tuần hiệu trưởng phải làm công tác chuyên môn (nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, dự giờ giáo viên) 2 giờ; phó hiệu trưởng phải làm công tác chuyên môn 4 giờ.
Cán bộ, giáo viên đã hoàn thành nhiệm vụ theo qui định, nếu dạy vượt giờ thì được hưởng phụ cấp dạy thêm giờ theo quy định hiện hành.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, việc ban hành quy định chế độ làm việc của giáo viên mầm non nhằm làm căn cứ để thủ trưởng cơ sở giáo dục mầm non phân công, bố trí, sử dụng, tăng cường hiệu lực quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động đối với giáo viên; Giúp các cơ quan quản lý giáo dục có căn cứ để kiểm tra, thẩm định, đánh giá và xây dựng chính sách, chương trình giáo dục, bồi dưỡng giáo viên mầm non; Làm cơ sở để giáo viên mầm non xây dựng kế hoạch giảng dạy, chăm sóc, giáo dục trẻ; kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đây cũng là cơ sở để thủ trưởng cơ sở giáo dục mầm non đánh giá, xếp loại giáo viên hằng năm, đảm bảo tính công khai, công bằng, dân chủ trong việc thực hiện chế độ, chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của giáo viên.
Các quy định này chỉ áp dụng đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy, giáo viên làm công tác quản lý ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm: trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 9/12/2011.
Theo GD&TĐ