Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Da và những thay đổi khi mang thai.


Khi mang thai, bạn phải đối diện với những thay đổi đặc biệt của cơ thể. Dễ nhìn thấy nhất vẫn là sự thay đổi của làn da. Dĩ nhiên sẽ không còn mượt mà, láng mịn nữa rồi...

Ở các thai phụ, bệnh da bao gồm thay đổi da sinh lý hoặc bệnh da chuyên biệt do thai hoặc bệnh da có thể gặp ở người không mang thai.

Những thay đổi sinh lý: Bình thường, phụ nữ mang thai nào cũng có thể bị: sạm da, rụng tóc, rậm lông, tăng tiết mồ hôi do tăng hoạt tính tuyến mồ hôi nước và tuyến bã, rạn da, sao mạch, giãn tĩnh mạch chân, trĩ, ngứa… tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến mẹ và con, nhưng có thể để lại những di chứng về mặt thẩm mỹ và tâm lý cho một số bà mẹ sau này.

Bệnh da chuyên biệt do thai kỳ: thường nặng và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sinh mạng của mẹ và con. Nhưng rất may, các bệnh này ít gặp. Bên cạnh đó, do thai phụ vẫn sinh hoạt cùng với cộng đồng nên tất cả các bệnh da gặp ở người không mang thai như: bệnh da do nhiễm, bệnh da dị ứng, bệnh về hắc tố ở da… đều có thể gặp ở phụ nữ mang thai. Đây là nhóm bệnh thường gặp hơn cả trong số các bệnh da trong thai kỳ, có thể xuất hiện trước khi mang thai hoặc xuất hiện trong khi mang thai, có ảnh hưởng đáng kể đến mẹ và con, thường có diễn tiến phức tạp trong thai kỳ.

Tuy nhiên, các thai phụ nên biết về những thay đổi sinh lý như:

- Thay đổi sắc tố da: Tăng sắc tố chiếm khoảng 90% phụ nữ mang thai. Gặp ở đầu vú, quầng vú, rốn, cơ quan sinh dục ngoài, đường trắng giữa bụng, những vùng hay bị cọ sát như: nách, mặt trong đùi, bẹn. Thay đổi sắc tố đáng chú ý nhất trong thai kỳ là sự gia tăng sắc tố giống như mặt nạ ở mặt được gọi là sạm da mặt, chiếm trên 50% thai phụ. Sạm da gia tăng khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Mặc dù sạm da thường thoái triển sau sanh, 70% biến mất hoàn toàn sau sanh 1 năm, nhưng cũng có thể kéo dài đến 10 năm ở 1/3 trường hợp.

Dù muốn hay không, bạn cũng nên biết các thay đổi sinh lý trên để kịp thời phản ứng khi có những triệu chứng bất thường xảy ra.
 

- Biến đổi các mô liên kết của da: Rạn da bụng, hông, mông, vú, chiếm tỉ lệ 90% ở phụ nữ mang thai. Rạn da lúc đầu màu hồng, sau đó thành các dải teo da màu tím, đôi khi kèm với ngứa nhẹ. Sau sinh chúng trở nên phai nhạt dần. U da có cuống (skin tags) thường xuất hiện ở bên cổ, bên nách trong suốt thai kỳ và có thể kéo dài sau sinh.

- Các rối loạn của mạch máu: Tăng sinh các mạch máu nhỏ do ảnh hưởng của estrogen dẫn đến hồng ban lòng bàn tay, sao mạch. Hồng ban tự biến mất 1 tuần sau sanh. Nếu kéo dài hơn thì cần đến bác sĩ để phân biệt với bệnh gan, cường giáp. Phù, giãn tĩnh mạch chân, trĩ do tăng áp lực nội bụng, chiếm 40% thai kỳ, tự thoái triển sau sanh.

- Ngứa da trong thai kỳ (Pruritus gravidarum): Đây là thay đổi sinh lý gây nhiều phiền toái nhất cho thai phụ, chiếm tỉ lệ 0,8%. Nên kiểm tra chức năng gan để loại trừ ngứa da do ứ mật trong những nguyên nhân khác.

BS. Huỳnh Huy Hoàng
Nutifood