Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Lo vì con thừa cân


Một người mẹ lo lắng: ‘Bé nhà tôi đang thừa cân. Tôi phải làm gì đây?'.


Chuyên gia Helen Pegg giải đáp trên Babycentre như sau: Cha mẹ cần luôn theo dõi để đảm bảo bé nhà mình phát triển bình thường. Đôi khi, cha mẹ dễ nhầm tưởng bé đang thừa cân chỉ vì một lời nhận xét của ai đó: "Bé nhà chị mũm mĩm quá"; hoặc do bé lớn nhanh tới mức chật cả áo quần; do bé có nhiều bọng mỡ ở bụng hay ở chân.


Bước đầu tiên, bạn cần kiểm tra xem bé có thừa cân thực sự hay không. Hãy đo trọng lượng và chiều cao của bé rồi so sánh với bảng cân nặng chuẩn được quy định.

Tốt nhất, bạn nên đưa bé đi khám. Bác sĩ sẽ kết luận xem bé có đang thừa cân hay không.

 

Nếu bác sĩ cho biết bé nhà bạn đang (hoặc có nguy cơ) thừa cân thì bạn đừng vội hoảng sợ. Giải pháp là điều chỉnh chế độ ăn uống của bé và khuyến khích bé vận động nhiều hơn. Bé thừa cân có thể do bé đang dư nhiều kalo chưa được sử dụng.


Tất cả các bé đều nên được vận động hàng ngày và một số bé cần vận động nhiều hơn nữa. Hãy đưa bé tới công viên để bé chạy nhảy, cùng bé đi bộ tới các cửa hàng hoặc trơi các trò vận động theo nhóm. Nếu bé nhà bạn đã đi nhà trẻ hoặc bé ở nhà với ông bà (người trông bé) trong khi bạn đi làm, bạn cần phải biết một ngày bé vận động được nhiều không.

 

Ngoài ra, nên ghi số bữa ăn, số lượng thức ăn của bé vào một cuốn nhật ký. Sau đó, bạn trao đổi với bác sĩ dinh dưỡng để kiểm tra xem thực đơn của bé hợp lý chưa. Nhớ là đồ uống, nhất là nước ngọt hay nước quả thường chứa khá nhiều kalo.


Một số bé mới biết đi được mẹ cho bú sữa liên tục. Điều này có nghĩa là bé uống sữa nhiều hơn nhu cầu. Bé trên 1 tuổi cần khoảng 350ml sữa cho cả ngày. Nên khuyến khích bé uống sữa bằng cốc chứ không phải bú bình. Nếu bé thích bú bình, bạn chỉ nên đổ nước lọc vào bình sữa cho bé.

 

Cho đến khi con của bạn lên 2 tuổi, bạn vẫn nên cho bé dùng sữa có đủ chất béo. Sau đó, hãy chuyển sang sữa bán tách kem (loại sữa ít chất béo và ít kalo hơn).
Bé cũng có thể tăng cân nhanh chóng nếu ăn quá nhiều bữa phụ giữa các bữa chính, đặc biệt là đồ ngọt. Hãy chọn bữa nhẹ cho bé như một miếng phômai, bánh gạo hoặc bánh mỳ que.


Nên chú ý cho bé ăn đủ khoảng 5 phần rau củ quả mỗi ngày. Rau củ quả không chỉ là một phần của dinh dưỡng lành mạnh mà chúng còn ít kalo. Nếu bé không quan tâm tới rau, nên nấu rau vào canh, soup, sinh tố rau xanh củ quả. Khi bé lớn hơn, hãy cùng bé mua, chuẩn bị và nấu ăn với rau xanh giúp bé thích ăn rau.


Hãy kiểm tra lượng một phần thực phẩm bạn đưa cho bé (bé có thể cần ăn phần nhỏ hơn anh chị em mình). Không ép hoặc khuyến khích bé ăn khi bé không đói. Các bé có thể thay đổi khẩu vị, giống như người lớn. Có thể vài ngày hoặc vài tuần, bé ăn ít nhưng sau đó, vài ngày bé lại ham ăn hơn.


Theo mevabe