Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dạy bé mọi thứ trên đời (từ 2 - 5 tuổi) (P.2)


Khi bé 2 - 5 tuổi, bạn có thể nhẹ lòng và vui khi con thực sự là một đứa trẻ ngoan, luôn làm những gì mà cha mẹ cho phép, nhưng như thế là chưa đủ.


1. Dạy bé buộc dây giày
Buộc dây giày là cách giúp trẻ phối hợp giữa suy nghĩ và điều khiển những ngón tay. Nhưng dạy con buộc dây giày thế nào là một trong những thách thức đối với các ông bố, bà mẹ.


Buộc dây giày là cách giúp trẻ phối hợp giữa suy nghĩ và điều khiển những ngón tay. (Ảnh minh họa).


Dưới đây là một vài cách để giúp những bài học này trở nên ít rắc rối hơn cho cả cha mẹ và bé:
- Hãy đảm bảo rằng con trai hoặc con gái bạn đã sẵn sàng học cách buộc dây giày. Nếu bạn thấy bất kỳ dấu hiệu nào ở con rằng chúng đang hứng thú với giày dép thì đó chính là thời điểm thích hợp để dạy chúng buộc dây giày.


- Đừng ép buộc trẻ. Thay vì cảm giác thích thú, một vài bé sẽ cảm thấy nản và cảm thấy bị ép hơn là sẵn sàng khi mà những chiếc dây không được thắt như ý muốn sau vài lần thử.


- Đầu tiên, bạn hãy dạy bé đâu là bên phải và đâu là bên trái. Trẻ cần phải hiểu giầy nào thì đi vào chân nào.


- Thử một vài mẹo. Một số ông bố bà mẹ dùng các dây giày được tô màu cho mỗi chiếc để giúp trẻ thắt chúng dễ hơn.


2. Dạy bé biết đòi hỏi quyền lợi
Bạn có thể nhẹ lòng và vui khi con thực sự là một đứa trẻ ngoan. Bé luôn làm những gì mà cha mẹ cho phép, nhưng như thế là chưa đủ. Trẻ cần được học cách nói lên những nguyện vọng và quyền lợi của mình.


Nếu con trẻ không nói về mong muốn thực sự của mình mà chỉ răm rắp làm theo sự chọn lựa của cha mẹ thì khi trưởng thành kỹ năng tự vệ và khả năng thành công của trẻ sẽ hạn chế.


Lên 2 tuổi, trẻ đã biết gào thét, giận dỗi, thậm chí ra yêu sách với người lớn. Vì vậy, hãy tích cực hỏi con về điều bé muốn, tôn trọng sự lựa chọn phù hợp và mong muốn của trẻ. Với những nhu cầu mà bé nói ra một cách dễ chịu, cha mẹ hãy đồng ý nếu có thể. Đồng thời, hãy từ chối nếu bé đòi yêu sách bằng nước mắt hoặc ăn vạ.


3. Dạy bé biết xử trí khi bị lạc
Con trẻ dễ nhớ, dễ quên nên khi con biết nói và có nhận thức hơn, cha mẹ cần dạy bé nhớ tên mình, nhớ số điện thoại nhà hoặc số di động của bố mẹ.


Bạn có thể đặt ra những tình huống và hỏi trẻ: "Nếu con bị lạc,người lớn hỏi con, con sẽ nói thế nào?". Đầu tiên bé sẽ rất lúng túng nhưng ‘mưa dầm thấm đất', bạn dạy bé và bé sẽ nhớ được. Sau đó, mẹ không bao giờ được quên nhắc nhở con là: ‘Khi con bị lạc, con phải nói với người lớn xung quanh mình như thế để mẹ tìm được con".


Thêm nữa, các bé ở độ tuổi này cũng rất hiếu động và ham tìm hiểu, do vậy, trước khi dắt bé đi đâu, đừng quên căn dặn bé chú ý không lạc bố mẹ!


Theo Eva.vn