Người giúp việc không phải là nô lệ trong nhà, họ đáng được tôn trọng. Nhiệm vụ của bạn là giúp bé hiểu được điều đó.
"Không ăn trứng này, nấu lại trứng khác đi, có làm ngay không thì bảo?" Vừa đi làm về, từ ngoài cổng chị Lan Anh đã nghe thấy Bí Ngô cao giọng với chị giúp việc. Chị thực sự lo lắng.
Thằng bé mới có sáu tuổi mà đã tỏ thái độ không tôn trọng người lớn. Nếu cứ phát triển tính cách theo chiều hướng đó, lớn lên Bí Ngô sẽ như thế nào?
Mối quan hệ giữa tiểu chủ và người giúp việc
Công việc bận rộn, nhiều bậc cha mẹ thường chọn giải pháp thuê người giúp việc. Trước là có người làm việc nhà, sau là để giúp họ chăm sóc con cái.
Do đó, trong nhiều gia đình, người giúp việc là người gần gũi với trẻ nhất. Một số trẻ đã có được mối quan hệ gắn bó với người giúp việc. Nhiều khi người giúp việc còn gần gũi hơn cả bố mẹ trẻ. Họ hiểu tính ý và thói quen của trẻ hơn cả những người sinh ra chúng.
Tuy nhiên, trường hợp như Bí Ngô cũng không phải là hiếm. Ở đây, trẻ tỏ rõ thái độ của một cô, cậu chủ nhỏ, xem người giúp việc chẳng ra gì. Cần gì là chúng lại gào lên, sai bảo người giúp việc với một thái độ hách dịch. Có những người giúp việc đã phải ngậm ngùi ra đi chỉ vì không chịu được thái độ của các cô, cậu chủ nhỏ.
Từ đâu trẻ có thái độ sai trái đó?
Trước tiên, phải nhắc đến cách cư xử của người lớn. Nhiều phụ huynh đã vô tình truyền cho trẻ thói quen xem thường người giúp việc. Họ gọi người giúp việc bằng những cái tên đầy miệt thị hoặc chê bai xuất thân từ nông thôn, sự ít học của người giúp việc. Không ít người sẵn sàng thể hiện quyền chủ nhà, vì cho rằng số tiền họ trả có thể sai khiến người giúp việc làm bất cứ công việc gì.
Tất cả những điều này vô tình làm trẻ nghĩ rằng người giúp việc là "kẻ tôi tớ" và chúng có quyền cư xử thiếu tôn trọng với họ.
Ngoài ra, nhiều người giúp việc cũng nghĩ rằng bổn phận của mình là phải đáp ứng mọi yêu cầu của chủ nhà, kể cả các cô, cậu chủ nhỏ. Khi được sai bảo, họ lập tức làm ngay, không cần biết việc đó có chính đáng hay không. Lâu dần, điều đó tạo cho trẻ thói quen coi thường giúp việc.
Cần dạy trẻ tôn trọng người giúp việc
Một số bố mẹ khi thấy thái độ sai trái của trẻ lại cho rằng trẻ con đâu có biết gì. Song thái độ đó không những ảnh hưởng đến quan hệ với người giúp việc, lâu ngày nó còn gây hại cho sự phát triển tính cách của trẻ.
Thế nhưng, để giáo dục trẻ, bố mẹ cũng phải làm gương. Đừng bao giờ dùng những từ ngữ miệt thị để gọi, chê bai về xuất thân, học vấn và công việc của người giúp việc. Nếu thấy không hài lòng với người giúp việc về chuyện gì, hãy nhắc nhở họ một cách nhẹ nhàng và cố gắng không để trẻ chứng kiến.
Hãy giải thích để bé hiểu rằng giúp việc trong nhà cũng là một công việc lương thiện, cần được tôn trọng. Điều quan trọng là bạn phải giáo dục cho trẻ biết tôn trọng người lớn, dù họ có làm công việc gì, miễn là lương thiện. Bố mẹ cần tạo cảm giác thân thiện, gần gũi với những người giúp việc. Nếu bạn xem họ như một thành viên trong gia đình, trẻ sẽ cho rằng đó là người quan trọng, cần được tôn trọng.
Tuỳ theo lứa tuổi, bạn hãy để trẻ tự làm một số công việc cá nhân thay vì nhờ người giúp việc. Bạn nên yêu cầu bé một cách rõ ràng và thường xuyên kiểm tra xem bé có thực hiện đúng hay không. Hãy yêu cầu người giúp việc không được nuông chiều trẻ một cách vô điều kiện. Khi trẻ có thái độ sai trái, cần báo ngay cho bố mẹ biết để uốn nắn.
Theo Tiếp thị & Gia đình