Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bé lớn ra sao trong bụng mẹ.


Khi đang mang trong mình một sinh linh bé bỏng, bạn có biết bé phát triển như thế nào không? Có rất nhiều yếu tố quan trọng trong thời gian này bạn cần phải chú ý đấy…

Tính tuổi thai thế nào?

Tuổi thai được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng đến ngày sanh dự kiến, trung bình là 280 ngày hay 40 tuần hay 9 tháng 10 ngày theo dương lịch. Thời gian mang thai được chia thành 3 tam cá nguyệt: đó là những cột mốc sản khoa quan trọng, vì nó liên quan đến sự phát triển và khả năng sống của thai nhi. Nếu thai kỳ chấm dứt trước tam cá nguyệt thứ 3 (trước tuần lễ thứ 28) thì được gọi là sẩy thai. Khả năng thai sanh non có thể sống khi thai kỳ tiến đến 3 tháng cuối.

Các giai đoạn phát triển của thai nhi qua 3 thời kỳ:

- Thời kỳ trứng: trứng sau khi thụ thai trong khi di chuyển từ vòi trứng vào buồng tử cung và vùi vào bề dày lớp nội mạc tử cung vẫn tiếp tục thực hiện hoạt động phân chia thành nhiều tế bào để tạo phôi. Thời kỳ này kéo dài 2 tuần.

- Thời kỳ phôi thai: từ tuần thứ 3 đến tuần thứ 8 sau khi thụ thai. Đây là thời kỳ sắp xếp tổ chức với sự hình thành của phần đầu thai. Cuối thời kỳ này đã có sự hình thành của mắt, mũi, miệng, tai ngoài. Tứ chi có những chồi ngón. Đa số những bộ phận chính của cơ thể như hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa đã được thành lập. Nếu có rối loạn trong sự phát triển của phôi thai trong thời kỳ này sẽ gây ra dị dạng thai nhi.

- Thời kỳ thai nhi: từ tuần thứ 9 sau thụ thai đến khi sanh. Đây là thời kỳ hoàn chỉnh tổ chức. Thai nhi đã có đủ các bộ phận, chỉ còn việc lớn dần lên, chẳng hạn như bộ phận sinh dục ngoài chỉ được nhận rõ vào tuần lễ thứ 16; chức năng vận động bắt đầu từ sau tuần 16 nên bà mẹ cảm thấy thai máy vào tháng thứ tư; đến tháng thứ bảy thì ngón tay ngón chân có móng. Vì vậy, nếu có rối loạn về sự phát triển thai nhi trong thời kỳ này thì chỉ có thể gây biến dạng mà không gây dị tật thai nhi. Khi thai được 7 tháng, cân nặng khoảng 1.100g. Sau đó, mỗi tháng thai cân nặng thêm 700g. Đến lúc đủ ngày tháng thì thai nhi cân nặng trung bình từ 3.000 - 3.200g.

Một số yếu tố có thể dẫn đến sự phát triển bất thường

- Yếu tố di truyền: bất thường nhiễm sắc thể (NST) chiếm 20-25% các trường hợp dị tật bẩm sinh. Khoảng 50% các trường hợp sẩy thai là hậu quả của sự bất thường về NST.

- Yếu tố nhiễm trùng: mẹ nhiễm Cytomegalovirus, giang mai, Rubella, Toxoplasmosis (3-5%).

- Yếu tố do mẹ: tiểu đường, động kinh, uống rượu (# 4%).

- Yếu tố dược phẩm, hóa chất: mẹ sử dụng một số thuốc có thể làm tổn thương thai nhi nhất là trong 8 tuần đầu của thai kỳ (Thalidomide, Tetracycline, nội tiết tố như Diethylstilbesterol, Androgen; thuốc chống ung thư, thuốc kháng đông máu, thuốc kháng giáp trạng), mẹ nhiễm tia xạ.

- Yếu tố khác: Đa số các trường hợp (65-75%) không biết rõ nguyên nhân.

Trong suốt thời gian nằm trong tử cung, thai sống hoàn toàn ký sinh vào người mẹ. Do đó, dinh dưỡng và sức khỏe của mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Vì những loại vi trùng, thuốc men có thể đi qua bánh nhau đến thai nhi, nên người mẹ phải lưu ý việc giữ gìn sức khỏe, tránh tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm. Khi sử dụng thuốc phải hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để tránh những tác dụng có hại đến sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là trong tam cá nguyệt đầu. Khi vừa trễ kinh, nên đi khám để được làm xét nghiệm chẩn đoán thai. Khám thai định kỳ hoặc ít nhất 3 lần trong một thai kỳ, thai phụ sẽ được theo dõi sự phát triển của thai nhi, nhờ đó, có thể phát hiện sớm những bất thường của thai cũng như những tình trạng bệnh lý của mẹ có nguy cơ trên thai nhi để kịp thời xử lý.

TS. BS. Vũ Thị Nhung
Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương
Nutifood