Việc thay đổi da ở phụ nữ mang thai rất thường gặp. Đó có thể là các trường hợp do thay đổi sinh lý, do có thai hoặc kết hợp với thai... ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ, tâm lý và có thể để lại hậu quả nặng nề cho mẹ và con với những diễn tiến khá phức tạp. Các bệnh da sẽ trở nặng khi có thai: - Bệnh nhiễm siêu vi, hoặc nhiễm vi nấm (mồng gà, thủy đậu, herpes simplex, nhiễm candida âm đạo, mụn cóc...). - Vẩy nến: Nhìn chung, vẩy nến được cải thiện ở hầu hết bệnh nhân có thai, nhưng lại nặng lên trong giai đoạn hậu sản. Điều trị khó khăn bởi vì các thuốc như: Methotrexate, Etretinate và Psoralen UVA đều chống chỉ định trong thai kỳ. - Mụn trứng cá: cải thiện khi có thai ở một số thai phụ, một số trường hợp khác lại nặng lên do tuyến bã gia tăng hoạt động. Chống chỉ định dùng các phức hợp vitamine A acid do nguy cơ gây dị dạng cho thai, cũng như tetracyclines uống vì có thể làm vàng màu răng của bé. Chỉ có thể điều trị bằng kháng sinh thoa, Erythromycin uống và UVB. - Viêm tuyến mồ hôi mưng mủ: viêm mưng mủ mãn tính tiến triển của các tuyến mồ hôi nhờn ở những vùng như: nách, bẹn, hội âm, quanh hậu môn, dưới vú. Bệnh không thay đổi đáng kể khi có thai. Điều trị nhiễm trùng với kháng sinh đường toàn thân hoặc thuốc bôi clindamycin. Trường hợp nặng có thể cắt rộng nhưng chỉ thực hiện sau sanh. Dùng thuốc để điều trị bệnh da trong thai kỳ gặp rất nhiều chống chỉ định vì dùng không đúng có thể gây nguy hiểm cho thai nhi. Do đó, chúng ta không nên có thái độ xem thường bệnh da hoặc tự ý dùng thuốc để điều trị khi đang mang thai. Nên đến khám ở các bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tham vấn và điều trị đúng đắn. BS. Huỳnh Huy Hoàng |