Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo viên mầm non trong hệ thống giáo dục: Vật vờ chờ... chính sách


Qua tìm hiểu cho thấy, sự việc hơn 62 giáo viên mầm non (GVMN) ngoài biên chế ngừng đi làm vì chế độ lương quá thấp ở Thanh Hóa chỉ là giọt nước tràn ly.


Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh này có tới hơn 10.000 GVMN ngoài biên chế đang cùng chung cảnh ngộ. Họ đang sống vật vờ, thậm chí có nhiều gia đình GVMN rơi vào hoàn cảnh ly tán hoặc sống dưới mức nghèo khổ. Song, các cô vẫn kiên trì bám trường, bám lớp, vun đắp cho sự nghiệp trồng người với hy vọng một ngày nào đó tên mình sẽ được ghi danh hai chữ "biên chế", có chút lương hưu an hưởng lúc tuổi già.


Lỗi tại cơ chế
Trên địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa ở huyện Như Thanh, Quan Sơn, Quan Hóa..., có rất nhiều hoàn cảnh GVMN đang sống trong điều kiện kinh tế hết sức khó khăn. Các cô làm việc với thời gian kín cả ngày, cả tuần, song đồng lương lại eo hẹp chẳng đủ trang trải cuộc sống, dẫn tới cảnh không ít cặp vợ chồng lục đục, chia ly trong ngậm ngùi bởi cơm áo gạo tiền.


39 tuổi đời với 22 năm công tác trong ngành giáo dục, nếu tính thời gian làm việc thì đã đến lúc cô giáo Phạm Thị Sơn dạy tại Trường Mầm non xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh được nghỉ hưu. Ước mơ bấy lâu, rằng sự nhiệt tình chăm chỉ cùng với nỗ lực phấn đấu rồi mình cũng sẽ được vào biên chế của cô Sơn cứ trôi dần theo thời gian suốt hơn hai thập kỷ vẫn chưa cập bờ toại nguyện.


Khác với cô Sơn, Nguyễn Thị Ngọc Tú - giáo viên lớp 4 tuổi, phụ trách 22 cháu ở trường mầm non thị trấn vùng cao huyện Quan Sơn - còn khá trẻ. Tú quê ở huyện đồng bằng Thọ Xuân. Tốt nghiệp ra trường, Tú tình nguyện lên vùng cao công tác và lập gia đình. Tú có con trai 2 tuổi. Nhưng vì cái nghề của vợ không đủ sống nên anh chồng quyết tâm dứt áo ra đi. Con phải nhờ ông bà ngoại dưới xuôi. "Nhiều đêm dông bão em thấy buồn vô tận khi một mình nằm trong căn phòng trọ, em chỉ muốn chạy về với con. Song không nhẽ lại bỏ trường, bỏ lớp, vứt đi tất cả những gì cha mẹ nuôi mình ăn học sao?" - Tú tâm sự.


Tháng 12.2011, khi có cơ chế mới, đời sống các cô sẽ đỡ vất vả hơn. Ảnh: Anh Tuấn


Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do cơ chế chính sách còn bất cập, chưa có sự thống nhất mang tính ổn định lâu dài.


Theo số liệu của Sở GDĐT cung cấp cho thấy, hiện nay toàn bộ GVMN đã đạt trình độ chuẩn, trong số này có 30-40% đạt trình độ trên chuẩn. Việc các cô tự phổ cập đạt trình độ chuẩn thể hiện rõ tâm tư nguyện vọng của hơn 13.000 GVMN đều mong muốn sẽ được Nhà nước từng bước xem xét ký kết hợp đồng lao động dài hạn giúp họ ổn định công tác. Nhưng cũng ngay trong Quyết định 2480 của UBND tỉnh đã "chốt": "kể từ năm 2007 không thực hiện tuyển GVMN vào biên chế (kể cả hiệu trưởng, hiệu phó)". Từ đó dẫn tới tình trạng, hàng nghìn GVMN phải ngậm ngùi chờ đợi trong tuyệt vọng.


Được biết, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh đang tồn tại 4 đối tượng giáo viên cùng làm việc ở bậc mầm non nhưng hưởng chế độ khác nhau. Bà Lương Thị Ngoan - Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Quan Sơn - cho biết: Cái bất cập về mặt cơ chế, chính sách ở đây là tất cả giáo viên cùng phải lao động với cường độ như nhau, nhưng giáo viên biên chế hưởng mức lương cao, còn giáo viên hợp đồng thì lẹt đẹt mấy trăm nghìn đồng. Một hiệu trưởng trường mầm non giấu tên nói: "Đó thực sự là điều bất công. Giáo viên trong biên chế ở trường này thấp nhất đạt 2,9 triệu đồng/tháng - gấp gần 6 lần cô giáo hợp đồng".


Cô Nguyễn Thị Thanh - Hiệu trưởng trường mầm non thị trấn Quan Sơn - cho biết: "Nhà trường có 15 giáo viên ngoài biên chế. Cứ mỗi đầu tháng, ban giám hiệu lại phải lo chạy vạy chế độ cho các cô. Nhất là dịp lễ, tết, giáo viên thuộc diện hợp đồng không có tiền thưởng nên nhà trường phải thực hiện theo cách "lá lành đùm lá rách" để số đồng nghiệp này đỡ tủi thân".


Hy vọng le lói
Để tháo gỡ khó khăn cho hơn 10.000 GVMN, Sở GDĐT đã lập "Đề án chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công sang công lập và cơ chế chính sách cho giáo viên".


Bà Phạm Thị Hằng - Phó GĐ Sở GDĐT - khẳng định: Nếu đề án được thông qua, bậc học mầm non sẽ có cơ chế chính sách mới. Theo đề án thì đối với chế độ dành cho giáo viên ngoài biên chế nói chung sẽ được thực hiện theo ngạch bậc cụ thể với mức thấp nhất là 1,86 nhân với lương tối thiểu.


Về những bất cập trong cơ chế chính sách đối với giáo viên mầm non, ông Mai Văn Ninh - Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hoá - khẳng định: Đề án của Sở GDĐT lập, HĐND tỉnh sẽ xem xét phần cơ chế chính sách cho giáo viên bậc học mầm non trong kỳ họp tới. Riêng phần chuyển đổi mô hình trường mầm non bán công sang công lập có thể phải dừng lại chờ tới kỳ họp lần sau.


Tuy nhiên, cái mà giáo viên bậc mầm non cần đó là sự thống nhất về mặt cơ chế, chính sách chung trong cả nước. Không thể có chuyện cùng trong một ngành học mà ở mỗi tỉnh lại có một cơ chế khác nhau và không thể hiện tính bền vững.


Theo Lao Động