Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cần xử lý tinh tế trước hành vi ăn cắp của trẻ nhỏ


Khi trẻ nhỏ có hành vi ăn cắp, là cha mẹ chúng ta sẽ cảm thấy thực sự lo lắng.


Ảnh: sưu tầm


Ai cũng muốn biết nguyên nhân nào khiến những đứa con của mình ăn cắp và cũng không khỏi thắc mắc rằng liệu mai sau bé có trở thành " một thanh niên phạm pháp " hay không?


1. Nguyên nhân
Ăn cắp những vật mà mình thích
Khi còn nhỏ , việc trẻ lấy đi một vật gì đấy mà chúng thích là điều rất bình thường. Chúng ta không nên coi đây là một hành vi ăn cắp cho đến khi bé lớn khoảng 3-5 tuổi, độ tuổi mà bé có thể hiểu được rằng lấy bất cứ cái gì của người khác là rất xấu.


Bạn cần tích cực dạy dỗ bé về quyền sở hữu, cái nào là của bé, cái nào là của người khác. Bạn cũng phải làm gương cho bé. Chẳng hạn bạn mang một cái bút hay bất kỳ một vật nào đó từ cơ quan về nhà thì hôm sau cần phải mang trả ngay, nếu không thì những lời dạy của bạn về lòng trung thực sẽ rất khó để bé tiếp thu .


Ăn cắp để lấy lại sự công bằng
Mặc dù đã được dạy rằng ăn cắp là xấu những trẻ vẫn làm có khi chỉ là để lấy lại sự công bằng. Chẳng hạn, khi trẻ thấy anh trai hay chị gái của mình được yêu chiều hơn và được mọi người cho nhiều quà hơn.Trong trường hợp này cha mẹ nên chú ý quan tâm hơn tới bé, hãy coi bé là một thành viên quan trọng trong gia đình.


Ăn cắp để gây sự chú ý
Đôi khi bạn cần phải xem xét liệu hành vi này của bé có phải đơn giản chỉ là muốn gây sự chú ý hay không? Trong những trường hợp đó bé rất muốn thể hiện sự tức giận hay cố gắng trả đũa bố mẹ mình. Những vật bị bé lấy đi là vật thay thế cho tình yêu. Chẳng hạn tối về bạn cứ tập trung vào việc nhán tin bằng điện thoại di động mà không quan tâm gì tới bé thì việc điện thoại của bạn bị mất cắp là chuyện tất nhiên.


2. Cách khắc phục

Theo các chuyên gia tâm thần học thì khi phát hiện ra con cái của mình có hành vi lấy trộm đồ của người khác các bậc cha mẹ nên:

- Nói rõ cho bé biết rằng lấy trộm đồ của người khác là rất xấu.

- Hãy giúp bé trả lại đồ mà bé đã lấy. Khi bé đã trả lại đồ cha mẹ cũng nên bỏ qua những lỗi lầm đó, để bé có thể bắt đầu với một " bản lý lịch " sạch sẽ.

- Giải thích giúp bé hiểu rằng bé sẽ chẳng có lợi gì khi lấy trộm đồ của người khác.

- Tránh mỉa mai, dự đoán tương lai của bé qua những hành vi xấu và cũng không nên nói rằng bé là người xấu, là kẻ ăn trộm.


Nếu hành vi ăn trộm được lặp lại nhiều lần, kèm theo có những bất ổn trong cách cư xử thì hành vi ăn cắp có thể là dấu hiệu của một loạt những vấn đề nghiêm trọng. Các chuyên gia nghiên cứu tâm lý trẻ đã đánh giá những nguyên nhân tiềm ẩn bên trong khiến những bé có hành vi ăn cắp và đưa ra kế hoạch giáo dục cụ thể. Một trong những khía cạnh quan trọng của phương pháp này là giúp đỡ bé học cách tạo mối quan hệ tin cậy đối với người khác và giúp đỡ các bậc phụ huynh trong việc khuyến khích bé thay đổi theo lối sống lành mạnh hơn.


Theo Bibi.vn