Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dinh dưỡng cho trẻ 12-18 tháng


Đây là giai đoạn trẻ phát triển nhanh cả về thể chất và trí tuệ, vì thế cần phải chú ý việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ, phòng tránh trẻ bị suy dinh dưỡng.


Một chế độ ăn khoa học, phong phú là cách hữu hiệu nhất để tăng sức đề kháng cho trẻ.


Với lứa tuổi này, dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày là rất quan trọng để giúp trẻ phát triển toàn diện cả thể lực và trí tuệ, làm nền móng cho sự tăng trưởng trong những thời kì tiếp theo.


Do răng của trẻ khá nhiều và cứng cáp nên trẻ đã có thể ăn cháo ninh nhừ mà không cần xay kĩ. Mỗi ngày bé ăn 3 bữa chính và 2 đến 3 bữa phụ. Thức ăn phụ có thể là Sữa chua, pho mát, hoa quả xay hoặc không cần xay.


Bên cạnh thức ăn, bé cần được uống thêm 200-300ml Sữa mỗi ngày (có thể là Sữa mẹ, Sữa tươi hay Sữa bột). Bé bú Sữa mẹ ít bị nguy cơ mắc bệnh đường ruột hơn các bé khác. Cơ cấu bữa ăn của trẻ luôn đòi hỏi sự phong phú, sạch sẽ, đầy đủ chất dinh dưỡng, có thế trẻ mới đủ sức đề kháng để chống lại virus và vi khuẩn gây bệnh.


Trẻ cần được cung cấp đủ năng lượng, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng


Do trẻ chơi, đùa nghịch nhiều (vì lúc này trẻ đã biết đi, biết chạy, tiếp xúc với môi trường xung quanh) nên năng lượng tiêu hao lớn. Trong bữa ăn của trẻ cần có:


Chất bột như bột, cháo, cơm nát (đây là nguồn cung cấp năng lượng chính trong khẩu phần); chất đạm, chất béo ngoài vai trò quan trọng với sự phát triển của cơ thể cũng có vai trò cung cấp năng lượng. Tỷ lệ thích hợp giữa các chất sinh năng lượng trên là: Đạm: Béo: Đường bột = 15:20:65.


Chất đạm rất cần cho sự phát triển cơ thể trẻ, đặc biệt là các tế bào não. Nên ưu tiên các loại đạm động vật như: thịt, cá, tôm, trứng, sữa...vì chúng có giá trị dinh dưỡng cao, có đủ các axit min cần thiết cho sự phát triển của trẻ, ngoài ra đạm động vật còn giàu các yếu tố vi lượng như: sắt, kẽm,vitamin A giúp cơ thể khoẻ mạnh, tăng sức đề kháng với bệnh tật. Tuy nhiên cho trẻ ăn quá nhiều đạm cũng không tốt vì gan thân sẽ mệt mỏi. Trong bữa ăn của trẻ, chất đạm chỉ có tác dụng cao khi có đủ năng lượng, còn nếu thiếu năng lượng trẻ vẫn có thể bị suy dinh dưỡng.


Chất béo (dầu, mỡ) vừa cung cấp năng lượng cao, làm tăng cảm giác ngon miệng đồng thời giúp trẻ hấp thu và sử dụng tốt các vitamin trong chất béo như vitamin A, D, E, K...rất cần cho trẻ. Các axit béo không no cần thiết như: axit lioleic, axit liolemc, axit arachidonic rất cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ có trong mỡ lợn, mỡ gà. Mỗi khẩu phần ăn của trẻ nên cho từ 1 đến 2 thìa cà phê mỡ hoặc dầu.


Các chất khoáng rất cần cho sự tạo xương, tạo răng, tạo máu và các hoạt động chức năng sinh lý của cơ thể. Canxi có nhiều trong Sữa và các loài nhuyễn thể (tôm, cua, ốc. trai...), photpho có trong các loại lương thực, ngũ cốc, tỷ lệ thích hợp giữa hai chât là 1/1,5 thì sẽ giúp trẻ hấp thu và sử dụng tốt. Việc chuyển hoá, hấp thu canxi và photpho trong cơ thể cần tới vitamin D, vitamin D có nhiều trong lòng đỏ trứng, thịt và gan. Người lớn thỉnh thoảng nên cho trẻ ra ngoài tắm nắng hoặc uống bổ sung vitamin D vào mùa đông. Còn một chất khoáng nữa là sắt, cần cho sự tạo máu và một số loại men quan trọng trong cơ thể. Sắt có trong tim, gan, bầu dục, đậu đỗ và các loại rau có màu xanh thẫm.


Với trẻ mọi vitamin đều quan trọng, nhưng trong giai đoạn từ 12 đến 18 tháng tuổi thì người ta quan tâm đến vitamin A và C, hai vitamin này rất cần cho sự phát triển bình thường của trẻ, cần cho sự tạo máu, tăng cường sức đề kháng chống đỡ với các yếu tố không thuận lợi. Để cung cấp đủ vitamin cho trẻ cần cho trẻ ăn rau, quả thường xuyên, nhất là các loại có màu đỏ, vàng, Da cam (vừa là nguồn cung cấp caroten - tiền vitamin A, vừa là nguồn cung cấp vitamin C) như: dưa hấu, bưởi, nho tươi, cam, rau ngót, rau mồng tơi...


Những điểm cần lưu ý trong dinh dưỡng cho trẻ từ 12 đến 18 tháng tuổi


Nên cho trẻ ăn ngày ba bữa chính, hai bữa phụ, sáng ăn no, trưa ăn tốt, tối ăn vừa phải. Tỉ lệ các loại thức ăn cân đối, kết hợp đa dạng, không được để trẻ bị thiếu chất.
Thường xuyên thay đổi cách chế biến để tạo cảm giác ngon miệng.
Hạn chế cho trẻ ăn đồ ngọt (đường, bánh kẹo).
Thức ăn cho trẻ phải được thái nhỏ, nấu nhừ, hạn chế để mất muối khoáng và vitamin, hạn chế sử dụng tiêu ớt, hành, gừng.
Cần cho trẻ uống đủ nước giúp trẻ tiêu hoá và hấp thu tốt các loại dinh dưỡng, nước còn có vai trò vận chuyển giúp thải trừ các sản phẩm cặn bã, độc hại của quá trình chuyển hoá ra khỏi cơ thể.


Bạn có thế tham khảo thực đơn cho bé 12-18 tháng tuổi tại đây.


Theo Bibi.VN