Nếu có ai hỏi ở nhà sợ ai nhất thì thế nào 2 anh em cu Tit cũng nói là sợ mẹ nhất. Tit bảo: "Cả nhà cháu ai cũng sợ mẹ, kể cả bố cháu". Nghe thì có vẻ ngược đời nhưng đúng là như vậy. Mẹ Tit quen tác phong lãnh đạo, nói một là một, nói không là không, nói có là có, nói đi là đi, nói ở là ở... bố con nhà Tit cứ thế mà làm theo, lằng nhằng "cãi lệnh" là chỉ có "ăn phạt". Phạt của mẹ Tit cũng đa dạng lắm. Lần đầu phạm lỗi mẹ nói phạt 10 roi nhưng mẹ cho nợ và phải hứa lần sau không tái phạm. lần thứ hai phạm lỗi, mẹ nói phạt 10 roi nhưng đánh 1 roi, còn 9 roi mẹ cho nợ và phải hứa lần sau không được tái phạm. Nhưng đến lần thứ 3 mà vẫn còn mắc lỗi tương tự là mẹ sẽ nhất quyết phạt đủ 10 roi, không cho nợ roi nào và vẫn phải xin lỗi, hứa lần sau không như vậy nữa.
Nếu không bị phạt đánh đón thì thế nào mẹ cũng cắt khoản thời gian xem hoạt hình hoặc cắt giảm đồ chơi trong tháng nếu có đứa nào phạm lỗi. Chả là mỗi tháng hai anh em Tit được bố mẹ tặng một món đồ chơi, hoặc là bố mẹ tự mua hoặc do hai anh em yêu cầu. Nếu có đứa nào không ngoan là mẹ sẽ không tặng đồ chơi tháng đó. Mà "đồ chơi" của anh em Tit thì hầu như toàn là sách và truyện, hai anh em thích lắm, nếu tháng nào bị cắt thì buồn vô cùng. Thế nên anh em Tit tháng nào cũng phải ngoan để còn được quà của bố mẹ.
Dù mẹ là người nghiêm khắc, hay phạt và cắt quà của con nhưng anh em Tit lại không ghét mẹ. Bởi ngoài những lúc nghiêm khắc, mẹ cũng rất tình cảm với con. Mẹ thường dạy hai anh em học, dạy hai anh em cách đối xử với người khác, mẹ còn hướng dẫn cả hai con và bố tham gia công việc nội trợ, bếp núc... Những lúc các con buồn, mẹ sẽ vỗ về, sẽ nghe con kể hết những ấm ức... Thế nên cả anh em Tit cũng yêu mẹ lắm.
Trẻ con là thế, không biết giận lâu, nhất là với bố mẹ. Nếu biết lựa tâm tính của con và biết "nặng - nhẹ" đúng lúc, biết lúc nào nên chiều con, lúc nào nên nghiêm với con thì chắc chắn cha mẹ sẽ không quá phiền lòng về con cái. Hơn nữa, lại có thể định hướng nhân cách cho con. Như bố mẹ Tit vậy. Từ trước khi anh em Tit ra đời, bố mẹ đã có thỏa thuận. Mẹ bảo, tính mẹ nghiêm khắc nên không nhẹ nhàng với con được, thế nên bố sẽ là người dỗ dành con những lúc mẹ nghiêm khắc. Ở đây không cần phân biệt nhất thiết bố mới là người cầm roi dạy con. Ai cầm roi dạy con không quan trọng, cái quan trọng là mỗi người làm tốt nhiệm vụ của mình để thành công trong việc dạy con.
|