Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Gian nan giữ chân giáo viên mầm non


Làm nhiều nhưng lương chẳng bao nhiêu là tình trạng chung của các giáo viên mầm non hiện nay. Đời sống khó khăn đã khiến nhiều giáo viên bỏ việc ngay từ đầu năm học khiến các trường mầm non lao đao. Làm thế nào để giữ chân giáo viên là câu hỏi nhức nhối, cần có giải pháp cấp bách.


Đường đến trường của cô và trò Trường Mẫu giáo Vĩnh Hội Đông. Ảnh: Đình Tuyển


Nghỉ việc hàng loạt
6 giờ sáng mỗi ngày, cô giáo Ng.T.T. tất tả đến trường với nụ cười tươi tắn đón chào các cháu nhỏ. Ít ai biết, sau giờ làm cô T. lại vội vã mua chút thức ăn cho 2 đứa con nhỏ, một đứa học tiểu học, đứa đang học mẫu giáo rồi khóa cửa cho hai anh em tự chăm sóc nhau, để tất bật đi chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập. Với đồng lương ít ỏi, chồng lại bỏ đi nên cô phải làm đủ mọi việc để kiếm sống. Hiện nay, cô T. đang theo học cao đẳng hệ vừa học vừa làm tại khoa mầm non của Đại học Sài Gòn TPHCM.


Nghề bắt các cô phải cười, cười với phụ huynh, với con của người khác, nhưng vì cường độ lao động quá mệt mỏi các cô cười không nổi với chồng và con của mình. Vì vậy mà không phải ai cũng có thể kiên nhẫn, vượt khó để cố gắng bám trụ với nghề. Chỉ cần quan sát một ngày làm việc của giáo viên mầm non trong thời điểm phòng chống bệnh tay chân miệng như hiện nay đã thấy chóng mặt, các cô lúc nào cũng đầu tắt mặt tối, quần quật với các bữa ăn của trẻ, lau chùi phòng ốc, thay nhau rửa đồ chơi, dép cho các cháu.


Một giáo viên của Trường Mầm non Nguyễn Thái Bình quận 1 mới nghỉ việc cho biết, nhà cô ở quận Gò Vấp nhưng lại được phân công dạy ở tận quận 1 nên việc đi lại rất khó khăn, thu nhập không đủ tiền đổ xăng, cô ráng tiết tiệm bằng cách đi xe buýt nhưng khoảng cách đi dạy quá xa, công việc lại nhiều khiến cô rất mệt mỏi. Mặc dù nhà trường đã linh động cho cô đến lớp trễ hơn các cô giáo khác, nhưng chuyện đi từ mờ sáng đến tối mịt mới về đã làm cuộc sống gia đình cô bị đảo lộn, không có thời gian chăm con nhỏ mà lương thì không lo nổi tiền mua sữa cho con nên giải pháp cuối cùng vẫn là... nghỉ việc.


Cô Ngô Mỹ Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nguyễn Thái Bình (quận 1), băn khoăn: "Năm nào trường cũng có giáo viên xin nghỉ việc vì thu nhập không đủ sống. Giáo viên nghỉ việc đột xuất làm cho hoạt động của trường rất khó khăn. Mặc dù nhà trường đã tìm đủ mọi cách để động viên, hỗ trợ tạo thuận lợi về thời gian nhưng các cô vẫn xin nghỉ việc".


Khó khăn chồng chất
Đời sống của các cô giáo mầm non tại những tỉnh miền Tây cũng hết sức khó khăn. Để đến được Trường Mẫu giáo huyện An Phú, tỉnh An Giang - một trong những trường bị ảnh hưởng nặng bởi lũ, các cô giáo trẻ mỗi ngày phải vượt hàng chục cây số đường đê bao và qua mấy lần đò mới tới được lớp học.


Cô Phan Thị My Ca, nhà ở cách xa trường gần 18km cho biết: "Ở vùng này, việc đi lại của các giáo viên luôn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ, nhiều người phải đi bằng đò, bất tiện và nguy hiểm...". Do nhà ở xa, mỗi tháng tiền xăng, tiền qua đò cũng tốn hết hơn 600.000 đồng, trong khi đó lương của giáo viên có thâm niên 5-6 năm ở vùng này cũng chỉ trên 2 triệu đồng/tháng.


Đối với giáo viên mầm non ở đây, mỗi khi nước lũ đổ về ngập trắng đồng cũng là khoảng thời gian mà áp lực công việc tăng gấp bội. Không chỉ lo học trò bỏ lớp, mỗi lần tan trường, các cô lại canh cánh lo việc đi lại của các cháu.


Cô Lê Thị Mộng Trinh, giáo viên Trường Mẫu giáo Phú Hội, tâm sự: "Phụ huynh ở vùng này đa số là người nghèo, mùa lũ họ đi đánh bắt cá, đến mùa lúa lại đi cắt lúa mướn, họ gửi con cho các cô rồi gần như phó thác luôn... 10 giờ 30 tan học nhưng nhiều hôm cô phải chờ phụ huynh đến 2 giờ chiều mới được về. Nhiều khi giáo viên phải thuê đò đưa các cháu về để đảm bảo an toàn...


Việc dạy học của các giáo viên ở An Phú cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do không có kinh phí nên ngành giáo dục cho các trường thu tiền phụ huynh để mua sắm đồ dùng học tập, mỗi HS phải đóng 127.000 đồng/năm. Tuy nhiên, phụ huynh đều là những hộ nghèo, đa số họ đều không đóng, nhiều khi giáo viên nhắc nhở họ còn "dọa" sẽ cho các cháu nghỉ học. Vậy là để có dụng cụ, đồ chơi cho các cháu, giáo viên phải tự bỏ công làm hoặc xuất tiền túi ra mua.


Cần sự chia sẻ
Thu nhập thấp, thiếu giáo viên làm cho cường độ làm việc của các cô càng vất vả, căng thẳng. Ngành giáo dục kêu gọi giảm tải cho giáo viên nhưng càng kêu lại càng... quá tải hơn.


TS Trần Thị Phương, Trưởng khoa Giáo dục mầm non Đại học Sài Gòn, cho biết: "Trong bối cảnh này, người đứng lớp đào tạo giáo viên cũng không phải dễ dàng để giữ chân được các em. Quá trình dạy cũng không thể vẽ toàn cảnh mỹ miều, tô hồng nghề, chỉ cần kể đến hình ảnh dẫn trẻ ngồi bô, nôn ói trong lớp học là nhiều sinh viên đã ói tại lớp và kiên quyết nghỉ học. Tuy nhiên đối với những em đã theo học thì rất yêu nghề, mến trẻ. Chúng tôi phải luôn trao cho các em niềm hy vọng "không ai khó 3 đời", xã hội, nhà nước sẽ chia sẻ với chúng ta những khó khăn này".


Hy vọng các ban, ngành sẽ sớm tìm ra giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho những giáo viên đang phải gồng gánh, bươn chải hàng ngày với cuộc sống đầy lo toan và thiếu thốn.


Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD-ĐT quận 5: Cần có những công trình xã hội hóa
Hiện nay mức học phí và các khoản thu khác đã quá thấp so với mặt bằng giá cả. Lương giáo viên mới vào nghề chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng. Tăng học phí, tăng lương cần phải tăng cân xứng với giá cả hiện nay thì mới căn cơ. Khi chưa tăng được thì trước mắt nên khuyến khích công trình xã hội hóa, đóng góp của phụ huynh. Tuy nhiên, các công trình này phải công khai, minh bạch. Nhà trường phải nắm rõ hoàn cảnh của phụ huynh khó khăn để phụ huynh có điều kiện hơn gồng gánh cho phụ huynh khó khăn trên tinh thần tự nguyện.


Phụ huynh hãy nghĩ đến chăm một vài đứa con trong gia đình khó khăn, vất vả như thế nào để thấy được sự hy sinh của các cô giáo mầm non khi một giáo viên phải nuôi dạy 20-30 HS. Thay vì phải "dấm dúi" cho giáo viên này mà không cho giáo viên kia thì chúng ta nên đóng góp công trình xã hội hóa để chia sẻ khó khăn với giáo viên. Bởi các cô giáo có vui vẻ yên tâm về cuộc sống thì mới chăm các cháu tốt được. Thực tế ở quận 5 một số trường đã làm được các công trình này.


Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang: Xây dựng nhà công vụ cho giáo viên
Không chỉ đối với giáo viên mầm non, hiện tại ở những vùng sâu, vùng xa của tỉnh, đời sống giáo viên nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, phải từng bước tháo gỡ. Hiện tại, ngành giáo dục đang kiến nghị lên UBND tỉnh, các sở, ban ngành rà soát lại để ưu tiên xây dựng nhà công vụ cho những điểm trường có giáo viên ở xa, để giáo viên an tâm công tác. Riêng đối với dụng cụ học tập, sở đang cho đấu thầu gói thầu 8 tỷ đồng, trích từ chương trình mục tiêu quốc gia để đưa về các địa phương.

                                                --------------------------------------------

- Năm học vừa qua, TPHCM có gần 100 giáo viên mầm non nghỉ việc.


- Đầu năm học mới 2011-2012, ở quận 5 đã có tới 8 giáo viên mầm non nghỉ việc. Tại quận 1 cũng đã có 5 giáo viên và bảo mẫu xin nghỉ việc. Nhiều quận khác cũng nằm trong tình cảnh tương tự.


- Trong khi đó, năm học này ngành giáo dục còn thiếu đến 500 giáo viên cho các trường công lập và tư thục. Chưa kể các nhóm trẻ gia đình còn thiếu cả ngàn giáo viên.


Theo SGGP