Sau khi môi trường xung quanh con đã được thu xếp gọn gàng, bé đã quen với việc sẽ không có người lúc nào cũng ở bên để giải quyết hậu quả cho sự bày bừa của mình nữa... đã đến lúc bạn chính thức bước vào thách thức giúp con học thêm những kỹ năng mới để bé ít làm thất lạc đồ đạc và ít cần người nhắc nhở hơn - tức bắt đầu học tập cũng như sinh hoạt một cách có tổ chức hơn.
Điều quan trọng, một lần nữa bạn hãy nhớ, là không có phương pháp nào gọi là tốt nhất cả. Những thứ phù hợp với bạn không chắc sẽ hợp với con bạn. Bạn đừng để bị hoa mắt vì những hệ thống giáo dục đắt tiền, đừng vội vàng áp dụng chỉ vì thấy phương pháp nào đó nghe có vẻ ổn. Luôn có rất nhiều ý tưởng và phương pháp khác nhau, nhưng bạn hãy chỉ chọn phương pháp đơn giản và phù hợp nhất với con và duy trì cho tới khi sự "gọn gàng" trở thành thói quen mới của bé. Sau đây là một vài gợi ý tổ chức việc học tập:
- Chọn một người bạn học cùng: Nếu con bạn không bao giờ nhớ những nhiệm vụ phải làm, năm nay hãy đề nghị bé xin email hoặc số điện thoại của một người bạn cùng lớp để có thể gọi hỏi lại mỗi khi thấy băn khoăn hay không chắc. Tuy nhiên bạn cũng cần cho con hiểu sự khác biệt giữa việc giúp đỡ nhau học tập với ỷ lại và làm phiền người khác.
- Tạo mã màu sắc cho các môn học: Hãy tạo cho mỗi môn học có một mã màu riêng. Nếu trường/ lớp của con không yêu cầu bao tập vở theo yêu cầu thống nhất, bạn hãy sử dụng giấy bao tập cho con theo mã riêng này; nếu không thì có thể tạo dấu hiệu bằng một miếng giấy màu nhỏ dán ở gáy sách/ vở của bé.
- Sử dụng thời gian biểu hoặc lịch: Chọn một quyển lịch đơn giản mà con bạn có thể ghi chú công việc của mình. Bạn có thể giúp con cập nhật mỗi ngày cho tới khi con đã quen với việc viết ra những công việc cho chính mình. Bảng trắng treo ở chỗ dễ thấy để bạn có thể góp ý và có thể sử dụng lâu dài cũng là một ý hay.
- Nhắc bằng hình ảnh: Chụp lại hình ảnh khi con đang thực hiện những công việc cần thiết mà bạn muốn chúng trở thành như phản xạ tự nhiên của bé (như đánh răng sau khi ăn, treo ba lô, cất đồ dùng đúng chỗ...) và dán chúng vào bảng nhắc nhở. Phương pháp nhắc nhở bằng hình ảnh có thể sẽ hiệu quả hơn nếu con bạn thuộc nhóm trẻ học bằng thị giác.
- Sử dụng bảng liệt kê: Liệt kê những công việc lặp đi lặp lại (như bài kiểm tra chính tả, trả sách thư viện, tập thể thao, đá bóng..), in danh sách đó ra cho con biết được những việc mình cần làm hàng tuần (hoặc hàng ngày) và tự đánh dấu những công việc đã hoàn thành.
- Đặt ra kì hạn: Khuyến khích con bạn viết ra thời hạn (hạn làm xong bài tập hay xong việc gì đó) và để chúng ở những nơi dễ thấy như trước gương trong phòng tắm, cửa phòng ngủ hoặc đầu giường. Mua cho con bạn một cái bảng thông báo nhỏ để treo ở nơi mà bé bắt buộc phải trông thấy (ở phía ngoài cánh cửa phòng bé chẳng hạn).
- Đặt báo thức: Chỉ con cách đặt báo thức trên điện thoại hay máy tính cho một ngày cụ thể.
Bạn không thể bắt một người bừa bộn trở thành người gọn gàng, ngăn nắp ngay lập tức được. Bạn hãy giữ kỳ vọng của mình ở mức thực tế, đừng mong đợi con sẽ thay đổi chỉ sau một đêm; bằng sự kiên nhẫn và quyết tâm, bạn sẽ có thể giúp con mình biết cách sắp xếp gọn gàng và tập thói quen có tổ chức, và nó sẽ đi cùng với con suốt cuộc đời. Đó mới chính là mục tiêu của bạn.
Nguồn: Webtretho (lược dịch)