Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hà Nội khắc phục tình trạng thiếu trường mầm non


Tại Hội nghị Giao ban quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội Quý III/2011 diễn ra hôm 28/9, tình hình đầu tư xây dựng các trường mầm non và trường phổ thông các cấp trên địa bàn được lãnh đạo thành phố bàn thảo.


Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, tình trạng thiếu trường công lập, nhất là trường mầm non vẫn là vấn đề bức xúc và cấp bách ở Hà Nội.


Hiện, trên địa bàn có 551/557 xã, phường, thị trấn có trường mầm non công lập. Nếu tính theo tiêu chí mỗi xã, phường, thị trấn ít nhất phải có 1 trường công lập, hiện còn 6 phường thuộc các quận Đống Đa và Hai Bà Trưng chưa có trường mầm non công lập, 12 phường chưa có trường tiểu học công lập và 28 phường chưa có trường THCS.


Theo báo cáo của thành phố Hà Nội, bên cạnh những nguyên nhân do thiếu quỹ đất đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp trong nội thành, tăng dân số cơ học, các công trình hạ tầng xã hội tại các khu đô thị mới chưa được chủ đầu tư quan tâm thoả đáng, nhu cầu của phụ huynh muốn đưa con vào trường có danh tiếng hoặc có chất lượng cao hay việc kiểm soát học đúng tuyến còn hạn chế cũng cần kể đến nguyên nhân bất cập trong quy hoạch mạng lưới trường học dẫn đến thiếu trường lớp nhà trẻ, mẫu giáo.


Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, phải thắng thắn nhìn nhận một nguyên nhân là quy hoạch mạng lưới trường học ở Hà Nội chưa sát thực tế. Ngay cả tiêu chí mỗi phường xã có 1 trường mẫu giáo, 1 trường mầm non, THCS, THPT cũng chỉ nên mang tính tương đối vì mật độ dân cư ở các quận huyện khác nhau. Nếu tiêu chí máy móc sẽ trở thành một khuyết điểm trong quy hoạch vì tính toán xa thực tế, không phù hợp.


Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng cho rằng, Hà Nội đã đầu tư lớn cho việc xây dựng các trường học nhưng vấn đề quy hoạch còn bất cập dẫn đến thực tế vừa thiếu vừa thừa trường học.


Trong khi ở một số quận như Đống Đa, Hai Bà Trưng nhiều năm gần đây liên tục xảy ra tình trạng phải xếp hàng xin học cho con thì vẫn có những trường không đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Hà Nội hiện có 557 xã, phường với 2.509 cơ sở giáo dục và 1,5 triệu học sinh.


Theo đồng chí Phạm Quang Nghị, nếu tính bình quân mỗi xã phường có 4 trường học các cấp thì vẫn còn dư 83 trường. Như vậy, thực tế là việc thiếu trường lớp chủ yếu xảy ra ở một số quận của thành phố và trở thành một vấn đề gây bức xúc trong nhân dân.


Ngoài ra, đồng chí Phạm Quang Nghị cũng nhấn mạnh, do quản lý, quy hoạch chưa tốt nên để xảy ra tình trạng thiếu quỹ đất xây trường học tại các quận. Nếu quản lý tốt, có tầm nhìn quy hoạch tốt thì không thể để xảy ra tình trạng thiếu đất, có nghĩa là chúng ta không thể đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan, Bí thư Phạm Quang Nghị nói.


Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, thời gian tới, thành phố cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng các trường mầm non công lập trên địa bàn các phường, không để tình trạng trắng trường. Để thực hiện mục tiêu này thì phải thống nhất giải pháp, khẩn trương triển khai lập quy hoạch mạng lưới trường lớp trên địa bàn. Trong năm nay, Hà Nội sẽ hoàn thiện quy hoạch phát triển giáo dục và quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 để triển khai thực hiện.


Khắc phục tình trạng thiếu đất xây dựng trường học, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nói, phải bằng mọi giải pháp tạo quỹ đất đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp còn thiếu trong nội thành. Bên cạnh di dời một số cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, thành phố sẽ xem xét điều chỉnh lại một số quỹ đất đã quy hoạch khuôn viên xanh để bổ sung xây trường học. Khi có quỹ đất rồi quyết liệt thực hiện không để tình trạng tái lấn chiếm.


Cùng với đó, thành phố Hà Nội sẽ quy định chặt chẽ với chủ đầu tư các khu đô thị mới về việc đầu tư 20% quỹ nhà hạ tầng xã hội và khi xây dựng nhà ở yêu cầu phải xây dựng trường mầm non. Không chỉ việc tạo đầu tư quỹ đất, thành phố cần xem xét rà soát cả quỹ nhà hiện có để chuyển sang xây dựng trường mầm non công lập. Ví dụ biệt thự chuyển sang quy hoạch thành trường mầm non nếu có đủ điều kiện đất đai, khuôn viên theo đúng tiêu chuẩn.


Trong giai đoạn từ năm 2005 - 2011 ngân sách thành phố tập trung đảm bảo cân đối và đầu tư cho lĩnh vực Giáo dục Đào tạo từ 20-24% tổng chi ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố, mức đầu tư bình quân cho giáo dục đào tạo từ 3.000-3.500 tỷ đồng/năm. Đến hết năm 2010 về cơ bản đã xóa xong 5.523 phòng học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp và xây mới thêm được 1.009 phòng học; tổng số kinh phí là 2.448,845 tỷ đồng.


Hà Nội phấn đấu đến năm 2015 thực hiện đạt 50% - 55% trường học đạt chuẩn Quốc gia. Đảm bảo trường lớp để 100% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày; trên 45% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đi học tại các cơ sở giáo dục; trên 95% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo có đủ điều kiện ra lớp...


Theo Chinhphu.vn