Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chọn bạn cho con


Chọn bạn cho con là một trong những vấn đề được cha mẹ đặc biệt quan tâm. Rõ ràng bạn bè có ảnh hưởng khá nhiều đến tâm lý, tình cảm, tính cách của trẻ. Ở góc độ một người cha, tôi thấy đôi khi vì "quá khuôn phép", cha mẹ có thể mắc những sai lầm trong việc chọn bạn cho con.


SAI LẦM DO CHỦ QUAN
Có khi ta cố định hướng, chọn cho con những người bạn mà mình cho là phù hợp nhất, tốt nhất, nhưng chưa thật sự quan tâm đến nhu cầu, ý muốn của con trẻ. Trên thực tế, đâu phải lúc nào cha mẹ cũng hiểu rằng con mình chơi với bạn A chỉ vì hợp về sở thích thể thao, với bạn B chỉ vì hợp sở thích âm nhạc, với bạn C chỉ vì hợp sở thích ăn mặc, với bạn D chỉ vì bạn hay có những lời khuyên xác đáng... Từ đó, cha mẹ có thể không hiểu thấu được "mâu thuẫn" xảy ra giữa tính cách của những người bạn này với nhau và với chính đứa con mình. Chẳng hạn, A không thích B vì A chê B chỉ nghe nhạc rap, C không ưa D vì cho rằng D hay lên mặt dạy đời...; đồng thời, cha mẹ cũng có thể không hiểu rằng bạn thân con mình cũng không thích A về sở thích ăn mặc, không thích B về sở thích ăn uống, không thích C về sở thích thể thao...


Vì vậy, cha mẹ nên để cho con chọn bạn theo tiêu chí riêng và cảm thấy thoải mái với sự lựa chọn đó.


SAI LẦM DO CÁCH BIỆT THẾ HỆ
Đôi khi cha mẹ đánh giá bạn của con theo cách riêng của mình mà không hiểu về tâm lý lứa tuổi, trào lưu. Nhiều cha mẹ dễ dàng tỏ thái độ phật ý khi thấy con mình chơi với một bạn có tóc nhuộm vàng hoe, xăm (dán) vằn vện, nói nhiều tiếng lóng và đôi lúc còn văng tục... Một số người lớn thường mặc định rằng những người có biểu hiện đó là thiếu đứng đắn. Nhưng với sự thay đổi sở thích, sự tiếp thu các "mốt", các "trào lưu" rất nhanh, trẻ dễ bị cuốn vào vòng xoáy đó và không thể hoặc không muốn đứng bên ngoài, cho nên với rất nhiều trường hợp, nhuộm tóc, xăm mình... chẳng qua là "cho giống bạn", nói tiếng lóng là để thể hiện mình trong một "hội" nào đó, văng tục đôi lúc cũng là để khẳng định mình... Những điều đó chưa hẳn thể hiện bản chất tư cách của trẻ, tức là dù có tất cả những biểu hiện này thì cũng không thể cho rằng trẻ hư hỏng.


Vì vậy, sự "nhận diện" của cha mẹ e rằng nhầm lẫn, và nếu từ nhận diện này mà có sự can thiệp thô bạo rất có thể sẽ mắc sai lầm.


SAI LẦM DO CHƯA ĐỦ NIỀM TIN Ở CON

Cha mẹ hay lo con mình dễ bị ảnh hưởng những thói hư tật xấu của bạn mà bỏ qua, không quan tâm, hướng cho con có sự tác động ngược lại đối với bạn trong việc điều chỉnh những hành vi chưa tốt của bạn. Có thể các bậc cha mẹ ấy chưa đủ lòng tin ở tính cách và năng lực của con, cũng như đánh giá thấp sự lan tỏa khả năng thuyết phục, ảnh hưởng của con mình đối với bạn.


Ngoài ra, cha mẹ hay nói đến sự thay đổi theo chiều hướng tiêu cực của con mà ít quan tâm, chú ý đúng mức đến sự thay đổi theo chiều hướng tích cực của con mình và bạn của con. Chẳng hạn, một số trẻ có xu hướng bạo lực, cộc tính nhưng chỉ khi có "đối tượng" thì mới bộc lộ điều đó. Vì vậy, khi có bạn phù hợp, tính xấu này của trẻ có thể sẽ chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, một đứa bạn có thể chưa ngoan nhưng qua thời gian, với sự tác động của nhiều phía, sự tự chuyển biến, đứa trẻ đó có thể sẽ dần ngoan hơn.


Sai lầm ở đây là cha mẹ đã "đóng khung" tính cách một con người, có lẽ không hoàn toàn đúng với những trẻ đang trong giai đoạn hoàn thiện nhân cách.


Tóm lại, nếu cha mẹ can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư, mối quan hệ bạn bè của con thì có thể sẽ mắc những sai lầm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các mối quan hệ của trẻ mà làm sự phát triển tâm sinh lý của trẻ có thể không được bình thường. Do đó, sự cẩn trọng trong nhận xét, đánh giá, định hướng các mối quan hệ của con là rất cần thiết.


Theo PN