Dạy con, vấn đề thật chẳng giản đơn đối với những bậc cha mẹ ngày nay. Nhiều phụ huynh tự tin tổng kết "phương pháp" dạy con của mình: "Ngon ngọt không nghe thì cho mấy roi là xong!"
Dạy con, vấn đề tưởng chừng đơn giản, nhưng thật sự chẳng giản đơn tí nào đối với những bậc cha mẹ ngày nay. Nhiều phụ huynh tự tin tổng kết "phương pháp" dạy con của mình: "Ngon ngọt không nghe thì cho mấy roi là xong!". Có phải vậy chăng?
Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ có chung tâm lý, đó là luôn bị đám đông gây áp lực, họ mắng con vì ngại đám đông nhiều hơn là vì chính mình khó chịu với sự mè nheo của trẻ. Đám đông, dư luận, những tiếng ì xèo của hàng xóm, sự so sánh dù là khập khiễng của người đời giữa đứa trẻ nọ với đứa trẻ kia, sự đánh giá khắt khe từ phía xã hội... tất cả đều tạo nên áp lực nặng nề đối với những bậc phụ huynh đang nuôi dạy con, khiến họ, trong những thời điểm nhất định, mất bình tĩnh, và đánh mất sự tỉnh táo của mình trong mối giao lưu với con cái.
Cả nhà cùng vui chơi là điều kiện tốt để bạn dạy con. (Ảnh minh họa).
Dùng quyền lực có thật sự tốt?
Nhiều bậc phụ huynh cho rằng nếu trẻ không có áp lực của quyền lực, chúng sẽ không cố gắng đủ để tự làm chủ chính mình. Nhưng một số phụ huynh khác lại cho rằng khi dùng quyền thì xem như người lớn đã quyết định, đã suy nghĩ thay cho trẻ, chúng sẽ trở nên vô trách nhiệm. Hơn nữa, người lớn ngày càng mệt mỏi hơn để giữ trật tự đã được tạo nên do quyền lực đó.
Dựa trên những nghiên cứu, Gordon cho thấy: "Trẻ hư hỏng thường do những dạy dỗ nghiêm khắc và thực thi hình phạt quá nhiều...". Vì trẻ không được độc lập trong việc tự lo liệu và làm chủ chính mình, nên chúng không có cơ may xây dựng lòng tự tin và nhìn nhận giá trị bản thân. Ngoài ra, dạy dỗ bằng hình phạt nghĩa là bắt trẻ phải tuân theo, chúng sẽ không phát triển tính sáng tạo.
Tôn trọng con trẻ
Thay vì áp đặt luật lệ, bố mẹ có thể cùng con đưa ra những thỏa thuận. Những đứa trẻ luôn đề cao sự công bằng. Chúng có thể nhõng nhẽo, làm mình làm mẩy trong nhiều trường hợp nhưng lại luôn tôn trọng sự công bằng. Mà điều ấy bố mẹ có thể đạt được bằng sự thỏa thuận rõ ràng, rành mạch, vào lúc con vui vẻ nhất.
Có một câu chuyện như thế này, có một cậu bé mới gần 3 tuổi, rất thích xem kênh Bibi. Mỗi lần bắt bé tắt đi để làm việc khác là một lần nhà cửa ầm ĩ, con khóc, mẹ mắng, bố đánh đòn, bà bênh... Cho đến khi mẹ của bé hiểu ra một điều: đứa trẻ cần hiểu mọi việc một cách logic hơn, trong sự thỏa thuận vui vẻ giữa mẹ và con chứ không phải mẹ áp đặt giờ xem phim, giờ tắt phim của con. Và mẹ bé đã giải thích với bé là chúng ta còn rất nhiều việc để làm, giờ nào làm việc nào, vì thế, hai mẹ con cùng ngồi vẽ một thời gian biểu xinh xắn, trong đó có thỏa thuận về giờ giấc xem ti vi. Nhưng trước khi hết giờ, lần nào bà mẹ cũng cảnh báo trước để con chuẩn bị tinh thần: "Chỉ còn 5 phút nữa thôi là hết giờ. Con xem nốt và khi kim dài chỉ đến số 6 là chúng mình tắt ti vi nhé?". Thật hiệu nghiệm!
Thỏa thuận và những hình phạt
Hãy cùng nhau bắt đầu từ những khái niệm. Hình phạt dành cho một đứa trẻ có nghĩa gì? Một sự trả giá cho việc làm sai trái của trẻ? Một sự thể hiện uy quyền của người lớn khiến trẻ phải biết "rén", biết sợ mà răm rắp tuân theo luật lệ đã đề ra? Hai định nghĩa ấy e rằng có nhiều bất cập. Tôi cho rằng, một đứa trẻ... có quyền được sai. Cũng như một học sinh, muốn được điểm 10 phải trải qua quá trình điểm thấp, cao dần rồi mới thành tài mà được điểm cao hơn nữa. Đó là quá trình thử làm - làm được - có sai, sửa sai rồi đến làm đúng - làm thành quen và cuối cùng mới là làm giỏi, trở thành kỹ năng. Người Nga có một câu nói rất hay: "Chúng ta học từ những lỗi sai". Như vậy, ngay cả những lỗi sai mà trẻ phạm phải cũng không xảy ra một cách vô ích. Chúng cho trẻ những bài học. Đó là điều tất yếu sẽ xảy ra, phải xảy ra trong quá trình một đứa trẻ học để sống hài hòa với cộng đồng, tuân thủ những nguyên tắc xã hội. Người lớn không lờ đi những sai sót của trẻ, nhưng cũng không "mừng rỡ" vì "bắt" hay "soi" được lỗi. Người lớn phải là người chỉ ra cho trẻ, vì sao lại có những lỗi đó, thấu hiểu và đồng cảm với khó khăn mà trẻ gặp phải, chia sẻ cảm xúc lo lắng, sợ hãi, băn khoăn, hối hận chắc chắn sẽ có ở trẻ khi lỡ làm điều chưa đúng, chưa hay để rồi từ đó hướng dẫn trẻ luyện tập suy nghĩ logic hơn, quyết định chính xác hơn và biết tôn trọng những thỏa thuận đề ra. Mọi hình phạt đều phải được báo trước khi đưa ra những thỏa thuận, mà đã thống nhất thành nguyên tắc thì phải làm, tránh việc đề ra mà lúc làm lúc không. Thái độ đúng đắn, công minh của người lớn đối với lỗi sai của trẻ sẽ khiến những lỗi sai ấy trở thành bài học ghi nhớ suốt đời.
Khi nuôi dạy một đứa trẻ trong gia đình, chúng ta - cha mẹ và con cái - đang tận hưởng những ngày quý giá bên nhau, cùng khám phá thế giới nội tâm của nhau, khám phá mối ràng buộc thiêng liêng về mặt huyết thống, đồng thời cùng nhau làm nên những kỷ niệm.
Theo VTV