Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giúp con học giỏi hơn


Từ 0-3 tuổi, trẻ sẽ phát triển và hoàn thiện rất nhanh các giác quan cùng các kỹ năng. Đây là thời kỳ trẻ sẽ học và tiếp thu rất nhanh. Vì vậy ngay trong giai đoạn này các bậc cha mẹ cần lưu ý đến 4 tác động trong hệ thống thông minh mà mẹ có thể dễ dàng áp dụng mỗi ngày để giúp trẻ phát huy tối đa tiềm năng học hỏi.


Âm nhạc rất tốt cho sự phát triển trí não của trẻ. Ảnh: Internet


Trò chuyện giao tiếp cùng trẻ

Từ 0-1 tuổi: Trẻ bập bẹ phát âm, cố gắng bắt chước giọng nói và kiểu phát âm của những từ ngữ mà cha mẹ hay nói, trẻ hay chỉ trỏ vì trẻ chưa có đủ vốn từ để nói, bố mẹ sẽ giúp trẻ học nói khi nói rõ tên đồ vật mà trẻ chỉ. Trước khi trẻ ngủ, mẹ hãy hát ru trẻ bằng giọng hát của mẹ. Tiếng mẹ hát ru, tiếng cha mẹ nhẹ nhàng trò chuyện cùng trẻ khi còn nhỏ, tiếng cười khi nô đùa giữa cha mẹ và trẻ... giúp tăng cường khả năng giao tiếp của trẻ, kích thích hoạt động của trung khu ngôn ngữ trong não bộ.


Từ 1-2 tuổi: Trẻ đã biết gọi tên, lựa chọn những món đồ chơi yêu thích, trẻ bắt đầu có nhận thức về bản thân, có thể nói về mình, về những thứ mà trẻ thích và không thích, những điều trẻ nghĩ và cảm nhận. Trong giai đoạn này, mẹ hãy hát những bài trẻ đã quen thuộc cùng trẻ và vỗ tay theo nhịp bài hát, cùng trẻ vỗ tay.


Với những bé lớn hơn (2-3 tuổi): Cho trẻ chơi điện thoại đồ chơi hoặc điện thoại trong nhà bằng cách để trẻ tự tạo nội dung cuộc đối thoại như "Xin chào, bé Bi nói... Ai đang nói đó ạ? Hôm nay chúng ta cùng chơi nhé?". Bố mẹ có thể hỏi lại tên tuổi của bé và nhờ bé giúp đỡ những việc nhỏ như "tìm cho mẹ đôi giày của con" , "đưa cho bố cốc nước của con". Hướng dẫn bé kết hợp giữa danh từ - động từ để tạo thành câu hoàn chỉnh như "lấy xe màu đỏ", "mặc áo xanh".


Tích cực hoạt động vui chơi

Trẻ có khoảng thời gian 3 năm đầu đời để bắt đầu việc học hỏi, vì đây chính là giai đoạn não phát triển nhanh nhất. Nếu trẻ hoàn toàn không được học trong những giai đoạn đó, việc phát triển đầy đủ mọi tiềm năng sẽ khó và chậm hơn.


Hoạt động vui chơi không chỉ kích thích khả năng sáng tạo và tư duy của trẻ mà còn phát triển thể lực cho trẻ.


Ngay khi trẻ được 2 tháng tuổi, mẹ có thể lúc lắc đồ chơi phát ra âm thanh như lục lạc cho trẻ nghe, cho trẻ xem những hình ảnh màu sắc vui tươi.


Với những bé lớn hơn, mẹ có thể cho bé đi dạo, đến công viên, cho trẻ chơi những trò chơi xếp hình, gấp giấy, chơi với cát.


Nghe nhạc mỗi ngày

Âm nhạc là một công cụ tốt nhất trong việc phát triển đồng thời chỉ số thông minh (IQ) và tình cảm (EQ) của trẻ. Nhịp điệu, làn điệu và sự hài hòa về âm nhạc có thể kích thích các tế bào thần kinh của trẻ đặc biệt tốt nhất cho trẻ từ 0 đến 3 tuổi, kích thích các tế bào thần kinh, giúp trẻ phát triển trí tuệ thông minh, và có khả năng ghi nhớ tốt hơn mọi thứ mà trẻ được học hỏi. Nghe nhạc còn liên quan đến các kỹ năng khác của trẻ bao gồm kỹ năng học hỏi, hiểu biết.


Ngay từ khi bé mới sinh, bạn có thể hát ru cho trẻ nghe, chọn bài hát hoà tấu hay, nhẹ nhàng, giai điệu vui tươi. Nhạc cổ điển Mozart sẽ tạo sự tập trung và trí nhớ, phát triển khả năng nhận biết và liên hệ ở trẻ.


Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Để giúp trẻ có một sức khoẻ tốt và một trí não tối ưu, các bậc cha mẹ cần chú ý đến tác động từ bên trong thông qua việc cung cấp cho trẻ một chế độ dinh dưỡng với đầy đủ các dưỡng chất quan trọng cho não bộ và miễn dịch của trẻ mà các chuyên gia hay gọi là hệ dưỡng chất thông minh như Cholin, đạm, kẽm, I-ốt, sắt, Axit Folic, Vitamin B1, B6, B12 và nhất là DHA.


Rất nhiều nghiên cứu khoa học trong vài thập kỷ gần đây đã cho thấy những trẻ được bổ sung sớm và đủ lâu DHA ở hàm lượng cao trong chế độ ăn của trẻ không chỉ giúp các tế bào não kết nối hiệu quả, giúp hỗ trợ khả năng học hỏi và ghi nhớ.


Sữa mẹ, hải sản vùng nước lạnh, tim, gan, não, thận, trứng và sữa là các nguồn chứa DHA mà bạn có thể chủ động bổ sung trong khẩu phần ăn cho trẻ. Tuy nhiên, DHA được bổ sung vào sữa hoặc thực phẩm dinh dưỡng giúp cung cấp đủ lượng hơn.


Bác sỹ tâm lý Thái Thanh Thu
Theo ANTĐ