Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giúp bé giảm cân


Các bé trong độ tuổi cấp I cấp II hiện nay có "mô đen" đòi cha mẹ cho đi ăn các loại thức ăn nhanh như: gà rán, bánh pizza, bánh mì xúc xích (hotdog), hamburger.


Các bữa xế, khi xem phim, xem tivi, trẻ cũng thích "tráng miệng" bằng các loại khoai tây đóng hộp hoặc các loại bột trộn hương liệu đóng gói... Nước uống khoái khẩu của trẻ là các loại kem ca cao pha chế theo phong cách phương Tây, nước ngọt có ga. Các món này ngon miệng nhờ hòa đều các vị béo, chua, ngọt, mặn; riêng nước uống thì thơm mát, ngọt, tê tê đầu lưỡi... nên các em rất "ghiền".


Đa số các món thức ăn công nghiệp này đều mất cân đối về dinh dưỡng vì chứa nhiều chất béo, ngọt, dầu mỡ và ít sinh tố, khoáng chất, đạm thực vật. Song, ở đây cần thấy rõ ưu điểm của chúng là mềm mại, độ nóng vừa phải, phù hợp khẩu vị trẻ. Trong khi các món quốc hồn, quốc túy "đậm đà" bản sắc dân tộc thì có món quá nóng (phở, miến), có món quá nguội (bánh ướt, bánh bèo), có món lại khô cứng (cơm tấm bì sườn, cuốn tôm thịt). Vì vậy, phần thắng nghiêng hẳn về "phe" bánh mì xăng uýt, hamburger, khoai tây chiên...


Các món này nhiều chất béo (có từ xốt trứng gà, bột chiên giòn, bơ, phô mai, pa tê) chỉ phù hợp với các bé đang suy dinh dưỡng, thiếu cân, chứ hoàn toàn "phản chủ" đối với các em có thân hình mũm mĩm và có "tâm hồn ăn uống". Nếu muốn các em không bị béo phì, cách tốt nhất không phải cấm, mà là hướng dẫn ăn uống lành mạnh bằng cách trang bị kiến thức cho con. Với ý thức muốn cho mình đẹp hơn, cơ bắp hơn, các em sẽ tự chọn thức ăn hợp lý. Có nhiều cách để làm giàu vốn liếng dinh dưỡng cho bé như: cung cấp thông tin qua sách báo (chỉ cần một mẩu nhỏ), nói cho con biết về giá trị của thực phẩm. Chẳng hạn, với bé gái thì "dụ" cho bé ăn bằng cách nói lên công dụng làm đẹp như: cà rốt có vitamin A làm cho đôi mắt sáng và làn da đẹp; với bé trai thì ăn cá sẽ giúp tăng cường sức khỏe không thua gì siêu nhân.


Lưu ý: không nên ép con ăn hết. Thông thường hiện nay các bé ăn từ hai - ba bữa ở trường nên khi về nhà, cha mẹ thường sợ con ăn không đủ chất, ra sức bù đắp và ép ăn, thậm chí cho con ăn những món bé thích để bảo đảm con no bụng. Hãy yêu cầu bé ăn vừa đủ và ngưng ngay khi cảm thấy no. Tập cho bé thói quen ăn uống đa dạng, món nào cũng ăn, bằng cách thay đổi món mỗi bữa, mỗi ngày. Khi thấy bé tỏ ra thích các món nhiều năng lượng, nên thay đổi bằng cách cho ăn thêm trái cây, các loại bánh nhân thịt mềm mại như bánh ít, bánh giò...


Các quán ăn nhanh thường là nơi tổ chức sinh nhật. Không khí đông vui khiến món ăn ngon hơn và bé hay đòi mẹ cho trở lại quán cũ. Ăn thêm vài lần, sự nhớ nhung chuyển thành thói quen. Đã là thói quen thì khó bỏ và cùng với năng lượng khổng lồ trong từng món, tích lũy nhiều ngày, các em sẽ đi từ thừa cân đến béo phì. Vì vậy, khi tham dự tiệc ở các quán này, nên chọn cho các bé những món ít béo như: nui đút lò, xúp rau củ...

 

Các em có khuynh hướng thừa cân thường có thói quen lục tủ lạnh sau khi ăn khoảng một - hai tiếng đồng hồ. Để bé đủ dinh dưỡng mà không thừa mỡ, trong tủ lạnh nên để sữa, sữa chua, sữa đậu nành, trái cây, trứng gà... không để bơ, pa tê, xúc xích, bánh mì xăng uýt...


Không chê bai hình thức của bé
Nếu bé bị thừa cân, béo phì, cha mẹ nên nhắc nhở bé, nhưng đừng làm bé xấu hổ, tự ái. Không ít phụ huynh vì muốn con giảm cân đã so sánh con với bạn bè, chê bai... khiến bé bị tổn thương tâm lý, trở nên trơ lì và không áp dụng các biện pháp giảm cân.


Muốn giảm cân cho bé thành công, cha mẹ cần cùng con "tham gia" chiến dịch giảm cân. Cụ thể:
- Thay món chiên xào bằng luộc hấp. Trong trường hợp bé ngán không ăn thì: trộn gỏi, nướng (cà, đậu bắp), trộn salad... Trước mỗi bữa ăn, nên cho bé ăn một tô canh rau, đĩa rau củ với yêu cầu nhai kỹ, ăn chậm.
- Cùng bé tập thể dục mỗi tối.
- Hạn chế thời gian chơi trò chơi điện tử, xem tivi, lên mạng... của bé.


BS Đào Thị Yến Thủy - Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM
Theo PN