Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non Hà Nội: Canh cánh mối lo giảm tải


Ngay tuần đầu năm học 2011-2012, đoàn công tác của HĐND TP Hà Nội cùng các thành viên là đại diện các sở, ngành đã đi giám sát các trường mầm non (MN) thực hiện Nghị quyết số 04/2009/NQ-HĐND của HĐND TP về Đề án "Nâng cao chất lượng giáo dục MN TP Hà Nội đến năm 2015".


Hơn hai năm qua, việc thực hiện đề án đã làm thay đổi khá nhiều bộ mặt của các trường, đặc biệt là ở khu vực Hà Nội mở rộng. Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy còn nhiều tồn tại, trong đó được đề cập nhiều nhất là tình trạng quá tải đã trở nên phổ biến ở cả nội - ngoại thành.


Đạt và vượt kế hoạch ở nhiều chỉ tiêu

Với kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng, Đề án "Nâng cao chất lượng giáo dục MN TP Hà Nội đến năm 2015" ban hành ngay sau thời điểm Thủ đô mở rộng địa giới hành chính đã thể hiện sự quan tâm thiết thực của TP với ngành học vốn còn nhiều khó khăn và chưa được quan tâm đúng mức ở một số nơi. Mới đi được gần 1/2 chặng đường trong lộ trình vạch ra, cái được lớn nhất từ đề án này là khơi dậy lòng nhiệt huyết, sự tận tâm với nghề bằng sự quan tâm thiết thực tới mỗi thành viên trong nhà trường. Hơn hai năm qua, 222 cán bộ quản lý có chuyên môn, nghiệp vụ được bổ sung cho các trường; số GV được tuyển thêm là 3.145 người, 100% số GV hiện đã có trình độ đào tạo đạt chuẩn, trong đó 65,6% số người đã đạt trình độ đào tạo trên chuẩn, cao hơn so với mục tiêu đề án 15,6%. Hà Nội cũng là một trong số không nhiều địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ cho GV hợp đồng được hưởng lương và các chế độ như với GV trong biên chế. Điều này góp phần giảm dần sự chênh lệch về thu nhập giữa GV trong cùng đơn vị, giúp các cô giáo, dù ở trong biên chế hay thuộc diện hợp đồng đều yên tâm công tác.


Giờ học của các em Trường Mầm non xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì). Ảnh: Bá Hoạt


Bộ mặt các trường MN được đánh giá có nhiều chuyển biến trong hai năm qua khi có 2.344 phòng học được xây mới thay thế cho các phòng học nhờ, học tạm, vượt 443 phòng so với mục tiêu. Số trường đạt chuẩn so với trước khi thực hiện đề án tăng thêm 34 trường, chiếm tỷ lệ 15,3%. 357/357 trường MN bán công ở khu vực Hà Nội mở rộng đã chuyển sang mô hình công lập theo quy định của Luật Giáo dục, hiện đã hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà trường, có tài khoản, con dấu, được giao ngân sách hằng năm. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhờ thế được cải thiện rõ. Nếu như trước đây, toàn TP có 6,3% số trẻ suy dinh dưỡng, mục tiêu đề án phấn đấu duy trì ở mức dưới 10%, song tính đến cuối năm học 2010-2011, tỷ lệ này chỉ còn 4,5%.


Mối lo giảm tải

Tạo điều kiện để tăng chỗ học cho trẻ MN trong bối cảnh trường lớp còn nhiều thiếu thốn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành học giáo dục MN vài năm gần đây khi nhu cầu gửi trẻ ngày càng cao. Tỷ lệ trẻ được huy động ra lớp năm học 2010-2011 cao hơn so với tỷ lệ chung của cả nước và so với mục tiêu đề án (29,1% trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ, 91,4% với mẫu giáo so với mục tiêu của đề án lần lượt là 28% và 85%). Năm học 2010-2011, năm đầu tiên thực hiện phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi với mục tiêu huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt mức tối đa, Hà Nội còn huy động được số lượng trẻ trong độ tuổi 3-4 ra lớp tăng hơn so với năm học trước đến 28.000 trẻ.


Chưa khi nào Hà Nội phải đối mặt với tình trạng thiếu trường, lớp trầm trọng như hiện nay. Dù ở nội hay ngoại thành, các trường đều phải trong tình thế "gồng mình" tạo chỗ học cho trẻ. Sĩ số trẻ/lớp luôn quá tải, mức phổ biến từ 60-70 trẻ/lớp, cá biệt có nơi lên tới 84 trẻ/lớp, gấp 2-3 lần so với quy định của điều lệ nhà trường (tùy theo độ tuổi). Áp lực bảo đảm an toàn cho số lượng trẻ quá lớn trong một lớp đè nặng vai các nhà trường, mà trực tiếp là đội ngũ GV. Thời gian làm việc kéo dài tới hơn 10 tiếng mỗi ngày, lại căng thẳng vì nguy cơ mất an toàn với trẻ nên nhiều GV đã chuyển ngành.


Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga, một trong những giải pháp được tính đến là cho phép các trường học được nâng tầng. Theo chỉ đạo của lãnh đạo TP, các đơn vị ở 4 quận nội thành được phép nâng tầng, song mức nâng ra sao phải phù hợp với điều kiện cụ thể từng nơi và phải bảo đảm các điều kiện đề phòng rủi ro. Việc rà soát để xây dựng bản quy hoạch phát triển GD-ĐT và quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với những mục tiêu cụ thể về số trường cần xây thêm của từng cấp học đã được chỉ rõ. Theo đó, từ nay đến năm 2020, riêng ở cấp học MN, Hà Nội cần xây thêm 558 trường; số trường cần thêm trong 10 năm tiếp theo là 232 trường...


Để bảo đảm an toàn cho trẻ khi sĩ số trẻ/lớp quá đông, giải pháp trước mắt được lãnh đạo ngành đặt ra với các trường MN trong năm học này là không tăng sĩ số và chỉ đạo các phòng GD-ĐT tham mưu với UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục dành quỹ đất xây thêm trường, nhất là ở các khu đô thị; tách trường ở những nơi có quy mô quá lớn... Việc giảm tải ở các lớp MN nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục và bảo đảm tuyệt đối an toàn cho trẻ được cho là cấp thiết trong bối cảnh trường lớp còn thiếu thốn như hiện nay.


Theo HNM