Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dạy con điều hay, ngăn chặn ngay điều dở


Khi con đi học, ngoài những điều bé học được ở trường thì vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con cái là vô cùng quan trọng và cũng đầy thách thức. Trên thực tế, việc dạy dỗ một đứa bé đã đến trường khó khăn hơn nhiều so với dạy bé lúc nhỏ.


Những hành vi xấu thường gặp ở trẻ nhỏ:
- Gây gổ với anh chị em trong nhà, quan hệ không tốt với bạn bè;
- Nói leo hoặc trả treo, cãi lời bố mẹ, thầy cô;
- Bắt nạt người khác, thường xuyên từ chối yêu cầu của người khác;
- Tỏ ra bất lịch sự, khoe khoang, tự đắc và vô trách nhiệm (ví dụ thường thấy là bé có thái độ cười nhạo khiếm khuyết hoặc điểm yếu của người khác);
- Nói dối, trộm cắp...
Nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi đi học thường than phiền rằng các bé không còn ngoan ngoãn, đáng yêu như trước nữa, cách cư xử của bé với bố mẹ và những người xung quanh bắt đầu có sự thay đổi theo chiều hướng không như bạn kỳ vọng. Các bé ở độ tuổi đến trường thường thể hiện bản thân một cách quyết liệt hơn, sẵn sàng ngắt lời hoặc "chỉnh" ngay nếu nhận thấy những điều không hợp lý từ bố mẹ, thầy cô, anh chị em hay bạn bè.


Những biểu hiện ấy thường bắt nguồn từ việc bé phải gồng mình lên "gánh" hàng loạt các yêu cầu: phải làm việc này, không được làm việc kia, đừng đụng đến thứ nọ... Nhiều phụ huynh nghĩ rằng càng có nhiều luật lệ thì con càng dễ dàng vào "khuôn khổ", nhưng thực ra như thế lại khiến con trẻ bị áp lực tâm lý. Và phản ứng đáp trả như trên là một trong những cách chống đối lại. Trong khoảng thời gian này, bạn cần có những nguyên tắc cụ thể để giúp con tránh được những hành vi không tốt.


Bí quyết xây dựng những hành vi tích cực:

- Cho phép con thể hiện cá tính độc lập. Trong một số trường hợp, không nên bắt buộc con phải nhất nhất "nghe lời", hãy để bé bày tỏ quan điểm của mình kể cả khi nó trái ngược hoặc phủ định với những gì bạn vừa nói. Cũng như người lớn, trẻ em có nhu cầu bày tỏ suy nghĩ của mình.


- Nói chuyện với con một cách thẳng thắn và tôn trọng, đừng đưa ra những nguyên tắc áp đặt mà hãy giải thích cho bé hiểu nguyên nhân đưa đến sự việc hoặc vấn đề. Hãy để con lắng nghe, tiếp thu và thảo luận cùng bạn - giao tiếp là phương pháp tốt nhất để giáo dục và định hình nhân cách của một đứa trẻ.


- Trấn an con. Nhiều bé thường tỏ ra độc lập và có vẻ không cần sự quan tâm, chăm sóc, nhưng thực chất đứa trẻ nào trên đời cũng đều rất cần sự yêu thương, che chở và an ủi từ bố mẹ. Vậy nên, dù thế nào, bạn cũng cần cho con cảm nhận được rằng bạn sẽ luôn ở bên khi bé cần.


- Rèn thói quen tốt: thói quen, giờ giấc sinh hoạt hằng ngày thường đóng vai trò quan trọng đối với mọi đứa trẻ. Bạn nên giúp con hình thành thời gian biểu một cách khoa học, sau đó thực hiện đều đặn, nghiêm túc và chỉ điều chỉnh khi thật sự cần thiết.


- Đừng để con bị "quá tải". Trước khi yêu cầu con làm điều gì, bạn hãy cân nhắc độ tuổi và khả năng của bé. Tuyệt đối không nên đòi hỏi con làm quá nhiều thứ cùng một lúc, trẻ con thường không thể ổn định tâm lý nếu bị bố mẹ gây quá nhiều áp lực.


- Dành thời gian trò chuyện với con về trường lớp, bạn bè. Hãy chú ý lắng nghe, quan sát để hiểu hơn những gì con cảm nhận về trường học, bạn bè và cả những khúc mắc mà con đang gặp phải. Phụ huynh tốt là người biết đặt mình vào vị trí của con trẻ và đưa ra những lời khuyên tốt nhất, chứ không phải người trách mắng con - điều này sẽ làm cho tình hình càng trở nên tồi tệ hơn.


- Bỏ qua những lỗi nhỏ, bạn cần giữ bình tĩnh và hạn chế phàn nàn con trẻ, hãy bỏ qua những lỗi nhỏ để uốn nắn những điều quan trọng hơn vì nếu cứ bị "chấn chỉnh" liên tục, con bạn sẽ rất dễ mệt mỏi và bối rối. Nếu con có sai phạm, bạn đừng nhắc đi nhắc lại lỗi lầm, hãy chỉ nhắc nhở con một cách tích cực, như: "Con nên suy nghĩ về những gì mình vừa làm," hoặc "Mẹ nghĩ giá như con đừng làm như vậy thì sẽ tốt hơn." Tuy vậy, bạn cũng hãy sẵn sàng đưa ra hình phạt thích đáng với những trường hợp nghiêm trọng.


- Khen con một cách cụ thể. Những lời khen luôn có tác dụng tích cực đối với bọn trẻ nhưng bạn đừng đưa ra lời khen chung chung, hãy dành cho con những lời khen chính xác, cụ thể về những điều bé đã làm được. Như vậy con bạn sẽ hiểu rằng bố mẹ biết những việc tốt mà bé làm được và cố gắng phát huy điều đó. Thường xuyên nhấn mạnh, khuyến khích những hành vi tốt mà con nên thể hiện.


Khen đúng cách cũng giúp con không hư (Ảnh: Inmagine)


- Nói với con về những gì bé đã làm: có thể con không ý thức được những hành động sai trái của mình. Trong trường hợp này, bạn cần giữ thái độ bình tĩnh để phân tích cho con hiểu lời nói hay việc làm của con ảnh hưởng như thế nào đến bản thân và những người xung quanh. Và không chỉ bằng lời nói, đôi khi "để mặc" cho con thấy hậu quả của những gì mình gây ra cũng là một cách hiệu quả giúp bé thay đổi hành vi. Chẳng hạn, nếu bạn đã nhắc nhở nhiều lần mà con vẫn không bỏ được tính bừa bãi thì hãy để bé tự tìm kiếm đồ đạc ngay trong đống bừa bãi ấy. Sau một vài lần bạn kiên quyết, bé sẽ tự biết phải làm gì.


- Cắt ngang hành vi xấu của bé: bạn có thể dùng nhiều cách khéo léo để "đánh lạc hướng". Chẳng hạn, nếu các con bạn đang cãi nhau, hãy nói với chúng rằng "Bây giờ các con có thích đi bơi không?" hoặc khi bé đang có một thái độ nào đó không hay, bạn hãy nói "Sao con không xem bộ phim hoạt hình thú vị này nhỉ?" Một khi lôi kéo trẻ vào chủ đề khác thành công, bạn đã ngăn chặn được hành vi xấu của con mình.


Theo WTT