Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nỗ lực xóa “điểm trắng” mầm non


Tuần đầu tiên của năm học mới 2011-2012, Hà Nội đã khởi động việc giám sát triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND TP về nâng cao chất lượng giáo dục mầm non TP Hà Nội đến năm 2015, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho cơ sở.


Xóa "điểm trắng" ở những nơi chưa có trường mầm non, những nơi chưa có nhà vệ sinh (NVS) và giảm sĩ số HS/lớp nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ được coi là những việc lớn cần phải được tập trung giải quyết từ thời điểm này...


Để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục cần phải giảm sự quá tải cho các lớp mầm non. Ảnh: Trung Kiên


Nỗi lo xóa "điểm trắng" trường

Tính đến hết năm học 2010-2011, trên địa bàn TP có 837 trường mầm non và hơn 12.000 nhóm, lớp. So với năm học trước, con số này đã tăng hơn 10 trường và 1.200 nhóm, lớp. Nhờ thế, số lượng trẻ được huy động ra lớp đã lên tới gần 361.000 trẻ, tăng khoảng 32.000 trẻ so với năm học trước. Tuy vậy, do sự gia tăng dân số cơ học mạnh, nên Hà Nội đang đứng trước nhiều khó khăn khi phải giải quyết mâu thuẫn giữa điều kiện cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn với nhu cầu gửi con của người dân ngày càng cao. Thống kê sơ bộ, vẫn còn khoảng 70% trẻ độ tuổi nhà trẻ và 10% trẻ độ tuổi mẫu giáo chưa được chăm sóc, giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non. Vì thế mà tình trạng phụ huynh chầu chực, xếp hàng xin học cho con tại một số trường mầm non từ nửa đêm, sáng sớm vẫn còn diễn ra trong mùa tuyển sinh vừa qua.


Chưa hết, Hà Nội còn đang phải nỗ lực xóa "điểm trắng" trường mầm non tại 6 phường nằm ngay hai quận nội thành là Đống Đa và Hai Bà Trưng. Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Đống Đa, đơn vị có tới 4 trong số 6 phường không có trường mầm non - bà Phạm Thị Dung cho biết: Đống Đa có số dân cư đông, giáp ranh nhiều quận, lại có nhiều trường nằm trên các tuyến giao thông thuận lợi nên nhu cầu gửi con của phụ huynh trở nên quá tải với nhiều trường. Để giải quyết chỗ học cho HS tại 4 phường này, nhiều năm qua, quận đã linh hoạt phân tuyến tuyển sinh để chia HS của các phường này về các trường mầm non của phường lân cận, dù vậy, đây chỉ là phương án tình thế.


Hiện mới chỉ có phường Láng Thượng (trong số 4 phường của Đống Đa) rục rịch được xây trường mầm non trên diện tích khá khiêm tốn 1.500m2. Để bảo đảm đủ phòng học cho HS, phía ngành GD-ĐT đã mạnh dạn đề xuất thiết kế xây dựng trường lên 4 tầng. Trong khi ấy, hàng chục khu đô thị mới, tòa nhà cao tầng ở nhiều quận lân cận như Hoàng Mai, Cầu Giấy, Ba Đình... vẫn đang không ngừng mọc lên, vậy mà số khu đô thị được "ưu ái" có trường mầm non chỉ đếm trên đầu ngón tay.


Và "điểm trắng" nhà vệ sinh

Dư luận xã hội mấy ngày nay quan tâm đặc biệt đến việc một trường mầm non ở xã ngoại thành không có NVS khiến trẻ "đi" vào túi nylon. Nhưng có lẽ, đây không phải lần đầu tiên vấn đề NVS trường học với những mối lo về dịch bệnh, ô nhiễm, sự bất tiện, thiếu thốn... được đề cập. Có thể nói, cuộc vận động thi đua xây dựng "Trường học thân thiện, HS tích cực" phát động từ năm học 2008-2009 đã thực sự đánh dấu bước chuyển về nhận thức và sự quan tâm của nhiều lực lượng xã hội đối với việc xây NVS trong trường học. Theo thống kê ở cấp học mầm non Hà Nội, đến cuối năm học 2010-2011, tỷ lệ NVS đạt yêu cầu là 83,2%, tăng gấp nhiều lần so với thời điểm mới hợp nhất.


Năm học qua, Hà Nội đã cơ bản xóa hết hơn 2.000 phòng học cấp 4, xây mới hơn 1.500 phòng học cho các trường mầm non, cải thiện hạ tầng cơ sở đồng bộ, tạo môi trường chăm sóc, giáo dục khang trang, an toàn cho cô và trẻ. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, hiện vẫn còn hơn 1.900 phòng học tạm, học nhờ trên địa bàn TP; số điểm lẻ mầm non là 1.600, trong đó tỷ lệ điểm lẻ chưa đủ điều kiện (gồm cơ sở vật chất, nguồn nước sạch, NVS) chiếm tới hơn 50%. Đã phải đi học tạm, học nhờ thì chuyện có được NVS là điều xa xỉ. Công trình nước sạch cũng hiếm có. Vì thế nên chuyện cô giáo xách từng xô nước cho trẻ rửa mặt, rửa tay, làm vệ sinh... là thường thấy. Để giải quyết tình trạng này, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng GD mầm non (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết: Ngoài việc tiếp tục tăng cường đầu tư cho các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, Đề án nâng cao chất lượng GD mầm non TP Hà Nội đến năm 2015 đã đặt mục tiêu hoàn thành xóa phòng học tạm, học nhờ và cải tạo, gom các điểm lẻ chưa đủ điều kiện... Số tiền ước tính cho việc xóa phòng học nhờ, học tạm là gần 500 tỷ đồng.


Hạn chế nguy cơ từ sự quá tải

Có lẽ chưa khi nào Hà Nội lại phải đối mặt với tình trạng thiếu trường, thiếu lớp trầm trọng ở bậc học mầm non như hiện nay. Sĩ số trẻ/lớp của nhiều trường mầm non vì thế luôn quá tải. Tình trạng 60 - 70 trẻ/lớp khá phổ biến, không chỉ ở các trường khu vực nội thành. Thậm chí, theo thống kê sơ bộ đầu năm học mới 2011-2012, đã có lớp lên tới hơn tám chục trẻ. Áp lực đè nặng lên vai các nhà trường khi vừa cố gắng đáp ứng tối đa nhu cầu gửi con của phụ huynh, vừa phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ theo học tại trường.


Trước tình thế ấy, năm học 2011-2012, lãnh đạo ngành GD-ĐT Hà Nội quyết định không đặt ra yêu cầu tiếp tục tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp. Theo chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT, năm học 2011-2012 các địa phương phải phấn đấu đạt tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đến lớp từ 85% trở lên thì Hà Nội đã đạt và vượt chỉ tiêu này từ năm học trước với tỷ lệ 91,4% và tỷ lệ đặt ra của năm học này chỉ ở mức 90%. Việc giảm sự quá tải cho các lớp mầm non nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc chăm sóc, giáo dục, bảo đảm an toàn cho trẻ là cần thiết trong bối cảnh trường, lớp còn thiếu thốn, sĩ số trẻ/lớp quá lớn, số cô giáo/lớp còn ít, các cô không thể bao quát nổi... Tuy nhiên, đây thực sự là một bài toán khó giải với các cấp quản lý ngành khi chưa thể giải quyết ngay được tình trạng thiếu trường, lớp mầm non trong khi số trẻ có nhu cầu ra lớp ngày càng tăng mạnh...


Theo HNM