Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đồ ăn, thức uống cho bé tiêu chảy


Để chăm sóc bé bị tiêu chảy đúng cách, cần thực hiện như sau.

Bù nước: Bé bị tiêu chảy sẽ bị mất nước (cơ thể thiếu nước sẽ dẫn đến rối loạn điện giải gây nhiều biến chứng nghiêm trọng). Do đó, cần cho bé uống nhiều nước hơn thường ngày để phòng ngừa mất nước do tiêu chảy.

- Nếu bé đang được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ thì chỉ cần cho bé bú nhiều lần hơn và uống nước sôi để nguội là đủ.

- Đối với bé lớn hơn thì cần cho bé uống thêm các loại nướcnhư nước canh (nước cháo, sữa đậu nành, sữa chua, nước quả như cam vắt, không thêm hoặc thêm rất ít đường, nước dừa tươi, nước sôi để nguội).

Cần tránh các loại nước giải khát có ga, nước ép quả quá ngọt gây khó tiêu, đầy bụng. Cho bé uống dung dịch ORESOL để bù lại số lượng nước và các chất điện giải (muối) bị mất qua phân pha và dùng theo đúng hướng dẫn ghi trên gói thuốc.

Về thực phẩm: bé bị tiêu chảy thường lười ăn do cơ thể mệt mỏi. Do đó, cha mẹ cần chú ý chế biến các món ăn dưới dạng lỏng (mềm) như súp, cháo như cháo thịt gà, thịt lợn nạc nấu với carrot... và phải kiên nhẫn cho bé ăn chậm; ăn nhiều bữa nhỏ nếu bé buồn nôn, nôn, khoảng cách giữa các bữa ăn khoảng 2 tiếng 1 lần.

Thực phẩm dùng cho bé vẫn cần đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm thông thường như: bột, béo, đạm, rau. Thức ăn phải được nấu chín, sử dụng nước sạch, thực phẩm sạch có nguồn gốc rõ ràng và được bảo quản đúng quy cách, rửa tay trước khi chuẩn bị thức ăn và trước khi cho bé ăn để đảm bảo vệ sinh.

Cần chú ý: Không cho bé uống thuốc "cầm" tiêu chảy hoặc ăn lá ổi (hồng xiêm xanh...) vì các chất thải dễ ứ đọng lại đường tiêu hóa, dẫn đến bệnh kéo dài và nặng thêm. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Theo dõi bé nếu thấy có dấu hiệu (sốt, tiêu chảy quá 2 ngày không giảm, phân có lẫn máu, nôn, có dấu hiệu mất nước như: da nhăn, mắt lõm, lừ đừ,...) cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Bác sĩ Trọng Nghĩa
SK & ĐS