Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Áp lực mang tên: Mầm non - Bài 1: Sự hy sinh thầm lặng


Theo quy định, ở tuổi mẫu giáo, mỗi lớp 35 - 40 cháu có hai cô nuôi dạy nhưng không mấy trường giữ được "chuẩn" này. Sĩ số thường vượt lên 50 cháu/lớp, có trường còn lên đến 60 - 62 cháu/lớp. Đã vậy, phụ huynh nào cũng đòi hỏi con mình phải được chăm sóc tốt nhất, khiến công việc của các cô càng nặng nề hơn...


Ngày 15/7, TAND Q.Tân Phú (TP.HCM) đã tuyên phạt Trần Thị Xuân Nữ (30 tuổi, ngụ Đồng Tháp) cựu giáo viên Trường Mầm non Hoa Lan (P.Tân Quý, Q.Tân Phú) bốn năm tù về tội "cố ý gây thương tích". Trước đó, cô Nữ đã phạt học trò bằng cách nhốt vào thang máy. Bản án được sự tán đồng của dư luận, bởi không ai đồng tình với việc các cô gây tổn thương con trẻ. Tuy nhiên, từ bản án trên đã đặt ra một câu hỏi lớn: liệu công việc của các cô giáo ở trường mầm non có quá áp lực, quá căng thẳng khiến các cô đôi khi không làm chủ được hành động của mình?


Cận cảnh: Lưng không thể thẳng!

Để tận mắt chứng kiến áp lực công việc của các cô, chúng tôi đã dành trọn buổi sáng "quan sát" ở Trường Mầm non (MN) Vàng Anh, Q.5, TP.HCM.


6g sáng, như mọi giáo viên (GV) khác, cô Phương Nga có mặt ở trường để tổng vệ sinh lớp, chỉnh trang lại các dụng cụ học tập, chuẩn bị đón các bé.


7g kém 15: nhiều bé được bố mẹ đưa đến trường. Bé Nhím cứ níu chặt lấy ba mẹ mà khóc. Một bé trai gào đến khản tiếng, nước mắt hòa nước mũi. Các cô nhẹ nhàng tách các bé ra khỏi cha mẹ bằng trò chơi, đồ chơi...


7g10: các cô cùng bé ra sân vận động và tắm nắng.


7g30: trẻ ăn sáng với thực đơn buffet. Những trẻ còn dỗi hờn vì bị cha mẹ "bỏ rơi" nhất định ngồi một chỗ, không chịu ra bàn lấy thức ăn, các cô phải chăm sóc đặc biệt.


8g10: trẻ được dẫn đi vệ sinh, rồi cho uống nước.


Ảnh: Phùng Huy


Giờ chơi chung. Lớp Gấu bông có ba cô giáo và một bảo mẫu chăm sóc khoảng 30 trẻ, chia ra ba nhóm, cho bé chơi trò chơi. Cô hát, tay cầm lục lạc lắc cho các bé vỗ tay theo... Nhưng không phải bé nào cũng ngoan ngoãn, hồ hởi làm theo những gì cô nói. Gia Huy, Nhã Kỳ giành đồ chơi của nhau, cô Điệp phát hiện ngay để can thiệp, không cho xảy ra "chiến tranh". Trong khi đó, Nguyên Đức mới vào lớp mấy ngày, còn lạ chỗ nên cứ ôm ba lô ra ngồi gần cửa, miệng kêu ba, gọi má đến đón về. Việt Huy bắt chước bạn, cũng xách cặp ra ngồi bên cạnh. Huy không khóc nhưng nghịch ngợm đẩy dép về phía cô, bắt cô lượm dép và mang lại cho mình. Các cô phải hát lớn hơn, lôi kéo các em vào "cuộc vui", cho các em mới hòa nhập với lớp. Bé Trúc Anh nhỏ nhất lớp, nhất định không làm theo mọi người, lúc nào cũng mếu máo, ôm riết lấy chân cô giáo. Mỗi khi có khách đến trước cửa lớp là Trúc Anh nhào ra cửa, mặt ràn rụa nước mắt, hai tay huơ huơ đòi khách ẵm. Các bạn trong lớp bị tác động, cũng chạy ra cửa bắt chước Trúc Anh đòi được ẵm.


Các bé đang líu lo hát thì nhóm cô Thúy có một em đột nhiên... tè giữa lớp. Cô Thúy lật đật ẵm bé vào nhà vệ sinh ở cuối lớp học, trong khi cô Nga vội vàng lấy khăn lau sạch sàn nhà. Một bé tè báo hiệu cho các cô biết "đến giờ tè rồi" và lần lượt từng nhóm nhỏ được dẫn vào nhà vệ sinh. Cô Thúy ngồi bên trong nhà vệ sinh rửa tay cho từng bé. Tay làm liên tục, mắt cô không ngừng quan sát. Bé nào đi vệ sinh xong quên rửa tay, chạy ù vào phòng là cô gọi trở ngược lại để rửa. Ngoài cửa nhà vệ sinh có cô Điệp án ngữ, bé nào rửa tay xong được cô lau mặt sạch sẽ mới bước ra hành lang với bàn ăn đã sẵn sàng.


Giờ ăn trưa, các bé đeo yếm ngồi hết vào bàn, chỉ có Nhật Thanh không ngồi yên, cứ đi vòng vòng suốt giờ ăn. Bốn cô chia ra bốn góc, múc cháo hoặc cơm cho các bé. Hầu như các bé chưa biết múc ăn nên các cô cứ đút liền tay cho từng bé. Suốt giờ ăn, các cô phải khom lưng đút cho bé này xong lại đút tiếp cho bé khác. Cứ đút năm, sáu bé rồi xoay tua trở lại.


Bữa ăn hôm nay ở lớp Gấu 1 bình yên. Ở một lớp khác, có bé đang ăn thì "ị" đột xuất.


Chỉ trong hai giờ làm "quan sát viên", chúng tôi đã thấy hoa mắt, nhức đầu. Bé cũ nghịch ngợm, bé mới khóc nhè, không hợp tác, "xoay" cô như chong chóng.


Thế mà cuối năm, hầu hết các bé đều thay đổi, nền nếp hơn hẳn, biết tự động rửa mặt, mang dép, biết nói cô cho đi vệ sinh, biết phụ cô trải khăn bàn, xếp ghế, ăn xong biết dọn dẹp chén, muỗng dơ... Để đạt được thành quả trên, các cô không chỉ "hao tâm tổn trí" mà có khi còn phải hy sinh những giây phút đầm ấm bên chồng, bên con. Cô Nguyễn Trương Lan, GV Trường MN Vàng Anh kể: "Thứ bảy chủ nhật em cũng nghĩ đến công việc. Chồng rủ cuối tuần thăm bà con, em từ chối vì còn phải vào trường chuẩn bị năm học mới. Quen việc đã tám năm nay, nhưng do phải vận động liên tục nên khi về nhà là em chỉ muốn nằm. Thế nhưng, trước khi nằm phải giải quyết một lô công việc nho nhỏ cho chồng con, sau đó phải soạn giáo án, làm sổ sách, kế hoạch, đồ chơi... Chỉ ngày cuối tuần em mới có thời gian ủi áo quần, tổng vệ sinh nhà cửa".


"Nghiệp" nặng

"Làm GV MN là phải chấp nhận hy sinh, mất mát nhiều thứ. Nghề này như cái "nghiệp", đã nặng nợ thì khó bỏ lắm, dù công việc rất vất vả", cô Vũ Thị Xuân Liên, Hiệu trưởng Trường MN Vàng Anh tâm sự. Nguyên Trưởng phòng Giáo dục MN, Sở GD-ĐT, bà Nguyễn Thị Kim Thanh cũng cho rằng: "Ngoài tình thương đối với trẻ, GV MN còn phải có tính kiên nhẫn. Chính vì vậy, GV mới cần phải được thử thách tay nghề và đạo đức, nếu không đảm bảo thì bố trí công việc khác". Tuy nhiên, thời gian thử thách chưa bao lâu thì nhiều cô đã... bỏ cuộc. "Khi không chịu nổi công việc quá tải thì giải pháp được các cô chọn nhiều nhất là nghỉ việc, khiến đội ngũ GV MN đã thiếu càng thêm thiếu", cô Nguyễn Thị Minh Châu - nguyên Hiệu trưởng Trường MN P.3, Q.10 nói.


Công việc thì "đầy ắp" như vậy nhưng thu nhập (gồm các khoản lương, ưu đãi và tiền công phục vụ bán trú) của GV MN hiện thuộc vào hàng "bọt bèo", thua cả những người giúp việc nhà theo giờ. Vào thời điểm vật giá leo thang này, nhiều GV MN vẫn có mức thu nhập hàng tháng không qua nổi ba triệu đồng. Tại Trường MN 24B (Q.Bình Thạnh), một trường tiên tiến cấp thành phố, có 6/20 cô giáo (chiếm 30%) có mức thu nhập hàng tháng dưới ba triệu đồng, được nhận hỗ trợ 250.000 đ/tháng từ ngân sách. Cô Lê Thị Kim Vân - Hiệu trưởng Trường MN Hoa Lư (Q.1) cám cảnh: "Tôi chắc rằng không mấy ai biết ở thời điểm này mà GV MN vẫn còn phải mượn nhau 20.000đ để đổ xăng hay nạp cái thẻ điện thoại".


Nhiều GV MN tại TP.HCM là người ở các tỉnh nên phải mất một phần thu nhập vào tiền nhà. 6g tối, chúng tôi tìm đến nơi cô Phương Nga, GV Trường MN Vàng Anh ở trọ. Cùng trọ với cô Nga còn có ba cô giáo khác. Nhìn chỗ ở trọ của các cô, chúng tôi không khỏi chạnh lòng: một nền gạch rộng khoảng 15m2 là nơi sinh hoạt của bốn cô giáo và để hai chiếc xe máy, một chiếc xe đạp. Vì đặc thù công việc phải đi sớm về trễ, nên chỗ trọ thực chất chỉ là chỗ ngủ của các cô. Vậy mà họ phải trả 800.000 đ/người/tháng. Cô Nga bộc bạch: "Con trai mình mắt yếu lắm, bác sĩ yêu cầu mổ mà mình còn chần chừ...". Chúng tôi biết, sau chữ "chần chừ" là cả một nỗi niềm.


"5g sáng đã lo đi làm. Quần quật cả ngày, 6-7g tối về đến nhà là lăn ra ngủ, nên người độc thân không còn thời gian cho chuyện giao lưu quen biết, người đã có gia đình thì không còn sức lực, thời gian để chăm sóc gia đình, chồng con. Đó cũng là lý do vì sao nhiều cô giáo MN đã ngấp nghé tuổi hưu nhưng vẫn một mình lẻ bóng. Hai đồng nghiệp của tôi, do không còn thời gian quan tâm đến chồng nên gia đình lục đục, vợ chồng phải chia tay" - cô Nguyễn Thủy Tiên - Hiệu phó Trường MN 24B (Q.Bình Thạnh), thừa nhận.


Nhìn chung, cuộc sống của đại đa số GV MN khốn khó đủ bề. Để có thêm ít tiền lo cho đứa con đang bị bệnh hiểm nghèo, cô Tú Quyên chấp nhận thuê chỗ trọ ở tận H.Nhà Bè, dù cô dạy học ở Q.5. Cô Nguyễn Trương Lan thì từng thuê phòng trọ ở Q.7, diện tích chỉ vừa đủ trải chiếc chiếu. Cách nay hai năm, cô Lan lập gia đình, có con, nơi ăn chốn ở đã đổi khác, dễ chịu hơn. Chồng cô cũng là người có trách nhiệm, biết chia sẻ gánh nặng với vợ. Tuy nhiên, công việc mỗi ngày khiến cô thêm gầy gò. "Sau mỗi ngày làm việc, về đến nhà là em chỉ thèm ngủ chứ không muốn ăn uống gì nữa. Bảy tám năm trước, lúc mới vào nghề em nặng 43kg, giờ chỉ còn 39kg" - cô Lan tâm sự.


Theo PN