Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tổng kết bậc học mầm non: Trường cùng giáo viên kêu khổ


Sáng 18-8, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2010-2011 và triển khai kế hoạch năm học 2011-2012 ngành học mầm non.


Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, việc hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non (MN) cho trẻ 5 tuổi chỉ có thể được thực hiện một cách bền vững và có hiệu quả khi đời sống giáo viên (GV) thật sự được quan tâm. Hiện tại, lương GV, nhân viên MN quá thấp, còn thua cả lương osin...


Nhận nhiệm sở rồi... bỏ
Hầu như năm nào TP.HCM cũng tuyển không đủ GV, đặc biệt là GVMN. Năm nay cũng vậy, sau hơn hai tháng tuyển dụng, ngành học MN mới tuyển được khoảng 2/3 nhu cầu GV, còn thiếu gần 300 GV. Cứ tưởng chỉ những quận ven, huyện ngoại thành mới rơi vào tình trạng này. Song trên thực tế ngay cả các quận trung tâm cũng thiếu...


Trước đời sống khó khăn, giáo viên trẻ bậc mầm non
khó trụ vững được với nghề


Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Phó phòng GD-ĐT Q.3 cho biết: "Trong đợt tuyển dụng GVMN vừa qua, Q.3 có 25 ứng viên đăng ký. Tuy nhiên đến rà soát dữ liệu chỉ có 20 ứng viên, trong đó có 19 ứng viên trúng tuyển. Như vậy là Q.3 vẫn còn thiếu 27 GVMN. Điều mà chúng tôi lo lắng là trong số 19 GVMN mới tuyển dụng này, liệu các cô có ở lại với trường không hay đến nhận nhiệm sở hôm trước rồi hôm sau bỏ việc"...


Lo lắng của bà Minh Nguyệt không phải là không có căn cứ. Bởi trên thực tế tình trạng này đã xảy ra ở những năm học trước. Và nó cũng đã xảy ra ở Q.5. Không ít GVMN tới trường làm việc được một - hai tháng, thậm chí chỉ một - hai tuần là tự ý bỏ việc. Cũng khó mà trách những GV này, vì với thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng trong khi áp lực công việc thì quá nặng nên các cô khó mà bám trụ với nghề.


Đời sống GVMN đã khó khăn, đời sống của những người phục vụ trong các trường MN còn khốn khó hơn. Nhiều ý kiến cho biết, đội ngũ cấp dưỡng, bảo vệ, nhân viên vệ sinh ở các trường MN chỉ có trên 1 triệu đồng. Trong đó lương cứng khoảng 8 trăm ngàn đồng, phụ huynh chăm lo khoảng 2-4 trăm ngàn đồng. Trường nào đông học sinh thì phụ huynh chăm lo cho đội ngũ này được nhiều, trường ít học sinh thì phụ huynh chăm lo được ít. Theo đó, nhiều trường nhỏ không tuyển được cấp dưỡng, bảo vệ, nhân viên vệ sinh. Cá biệt có trường hiệu trưởng phải xuống bếp nấu cho trẻ ăn vì... không có cấp dưỡng.


Bức xúc... vì các khoản thu "bình ổn"

Thực hiện chủ trương bình ổn của thành phố, năm học 2011-2012, ngành GD-ĐT tiếp tục giữ nguyên mức học phí của hơn một thập kỷ trước. Và điều này đã gây rất nhiều khó khăn, trăn trở và cả bức xúc cho các trường, nhất là các trường MN. Học phí và các khoản thu khác không tăng, trong khi giá cả các mặt hàng đều tăng. Nhưng cay đắng nhất là đòi hỏi của xã hội, của người dân đối với ngành học MN cũng cao hơn.


Thành phố thì đòi hỏi ngành học MN phải đào tạo ra những đứa trẻ khỏe mạnh, thông minh. Còn ngành y tế thì yêu cầu các trường phải vệ sinh, không để dịch bệnh có cơ hội xuất hiện. Mỗi khi y tế xuống các trường MN kiểm tra công tác vệ sinh phòng bệnh là hỏi GVMN như hỏi cung, đòi hỏi các cô phải làm thế này, thế kia. Song, ngành y tế đâu biết rằng, các trường MN chỉ được thu 5 ngàn đồng/tháng/cháu để làm công tác vệ sinh.


Bà Minh Nguyệt, Q.3 bức xúc: "Tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, nhất là bệnh tay chân miệng. Theo đó, yêu cầu GVMN trước khi vào lớp phải rửa tay bằng xà bông, học sinh cũng vậy thường xuyên phải được rửa tay. Rửa tay thường xuyên, không chỉ tốn xà bông mà còn tốn nước. Đã vậy phần lớn các trường MN đều phải bơm nước nên sử dụng nước càng nhiều thì càng hao điện. Như vậy là các trường không thực hành tiết kiệm được, kéo theo là đời sống GV cũng không được nâng lên".


Bà Phan Thị Phượng - Trưởng phòng GD-ĐT Q.6 cũng bức xúc không kém: "Các trường MN phải thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ, đó là bình ổn (bình ổn học phí và các khoản thu) và cung cấp dịch vụ chất lượng cao. Chỉ có thể làm được một nhiệm vụ thôi. Bởi muốn nâng cao chất lượng phục vụ thì không thể bình ổn được. Hiện nay theo văn bản chỉ đạo của Sở GD-ĐT thì các khoản thu hộ - chi hộ, các trường thỏa thuận với phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, 99 phụ huynh ủng hộ, chỉ 1 phụ huynh không đồng tình là khốn khó cho các trường. Chúng tôi rất mong có một văn bản chính thức để các trường theo đó mà thực hiện, không phải xin phụ huynh nữa"...


Trước những tâm tư của các đại biểu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn chỉ đạo: "Các phòng GD-ĐT phải tham mưu với UBND quận, huyện để đưa ra mức thu tiền ăn, vệ sinh phí... phù hợp. Sở GD-ĐT sẽ sớm có văn bản gửi các đơn vị nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các trường MN thực hiện"...


Theo Báo Giáo Dục