Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Khóa học kỹ năng sống


Chị tôi có dịp lên thành phố, ghé nhà thăm chúng tôi chỉ một hôm, nhưng đã phát hiện ra "căn bệnh" đặc biệt của Ốc. Căn bệnh mà suốt chín năm nuôi dạy con, chúng tôi đã không nhận ra.


Bắt đầu là bệnh "thờ ơ, vô tư" của Ốc. Dì ruột đến nhà, Ốc chỉ vòng tay hờ hững chào, rồi quay qua xem tiếp bộ phim hoạt hình. Đến giờ ăn, Ốc đứng dậy rửa tay rồi thủng thỉnh ngồi vào bàn khi mọi thứ đã sẵn sàng, không nói không rằng, chén mình mình ăn, mặc cha mẹ và dì lâu ngày được gặp nhau, nói cười rôm rả. Thỉnh thoảng có ai hỏi tới, Ốc chỉ gật hoặc lắc đầu, trả lời nhát gừng. Ăn xong, Ốc vội vàng đứng dậy, không buồn đẩy chiếc ghế mình vừa ngồi sát vào trong.


Thứ hai là trong lúc ăn, Ốc cũng... có vấn đề. Hôm đó, bữa ăn gồm canh khổ qua dồn thịt, đậu que xào và cá chiên. Ốc rỉa đúng phần nạc lưng của những con cá, ăn phần ruột đầy thịt của món canh và cố... bươi thịt bò trong món xào để gắp vào chén mình. Ăn dưa hấu tráng miệng, Ốc bẻ phần lõi dưa ngọt ngào để ăn, chừa phần còn lại trong đĩa. Cảnh tượng "chỉ ăn phần ngon nhất" tiếp tục lặp lại vào bữa cơm chiều. Khác là đến món tráng miệng, Ốc nhăn nhó bỏ đi không thèm ăn loại mít mẹ bày ra, không quên làu bàu: "Đã dặn mua mít Thái mà cứ mua cái gì đâu...".


Cả ngày dì cũng không thấy Ốc phụ giúp cha mẹ việc gì. Đến khi gần đi ngủ, Ốc nằm ườn ra, vừa ngáp vừa hỏi: "Mẹ giăng mùng chưa đó?". Con trai chín tuổi đã cao bằng mẹ, thế mà tối nào không đọc truyện cho Ốc nghe, Ốc sẽ trăn trở tới nửa đêm. Dì thấy lạ, hỏi sao Ốc không tự đọc, Ốc trả lời: "Làm biếng...".


Nghe chị phân tích, vợ chồng chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, thừa nhận chỉ có một đứa con duy nhất, từ nhỏ con lại hay đau ốm nên đã quá cưng chiều. Nhà ít người, tôi lại rảnh rỗi nên không có nhu cầu cần con chia sẻ việc nhà. Về cung cách ăn uống, Ốc suy dinh dưỡng từ nhỏ nên khi thấy con thích ăn món gì, chúng tôi mừng như bắt được vàng, luôn nhường phần ngon nhất cho con và ít khi rầy la khi con ăn... hỗn. Chị tôi bày tỏ nỗi lo sau này lớn lên, Ốc ra đời sẽ... khó sống với kiểu chỉ biết có bản thân như thế. Chị đề nghị cho Ốc về quê ngoại nghỉ hè, sinh hoạt chung với ba anh chị em họ trạc tuổi Ốc, hy vọng "tình hình" sẽ được cải thiện.


Bấy lâu chưa bao giờ Ốc rời xa vòng tay cha mẹ, nên trong những ngày đầu vắng Ốc, tôi cứ bồn chồn gọi điện cho chị mình. Nghe chị trấn an, rồi nghe con hồ hởi kể chuyện hết mò cua bắt ốc, tới trồng rau, cho heo ăn, lại khoe đã biết bơi rồi, tôi mới yên tâm phần nào. Gần sát ngày khai giảng năm học, con mới miễn cưỡng trở lên thành phố. Nhìn con ngăm đen, săn chắc vì vận động nhiều, vợ chồng tôi nước mắt rưng rưng. Con ôm cứng lấy tôi khi vừa về tới cổng nhà với câu hỏi đầy quan tâm: "Sao mẹ ốm vậy?" khiến tôi thêm xúc động trước một sự thay đổi lớn.


Giờ đây Ốc đã biết dọn chén khi tới bữa ăn, biết "ăn coi nồi..." và chỉ ăn phần của mình, không đòi hỏi, chê bai nữa. Đặc biệt, Ốc đã có thể tự giăng mắc và dọn dẹp mùng mền, còn tỏ ra không hài lòng khi mẹ giúp, với câu nói thật đáng yêu: "Con lớn rồi mà mẹ". Sau khóa học "kỹ năng sống" ở nhà dì, Ốc đã chững chạc hơn rất nhiều. Vợ chồng tôi cũng được một bài học lớn từ khóa học của con.


Theo PN