Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cha mẹ học sinh đóng góp đầu năm học: Phải là tự nguyện


Theo bà Nguyễn Ngọc Diệp, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội, các khoản đóng góp của cha mẹ học sinh cho ban đại diện cha mẹ học sinh không chỉ phải nhận được sự đồng ý của từng cha mẹ học sinh mà còn phải được hiệu trưởng nhà trường đồng thuận.

Năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội không cho phép các trường thu tiền vệ sinh của phụ huynh học sinh (Trong ảnh: Học sinh trường Tiểu học Trung Tự, Hà Nội).


Không thu tiền bảo vệ, an ninh...

Chưa đến một tháng nữa là khai giảng năm học 2011 - 2012 nhưng UBND TP Hà Nội vẫn chưa ban hành được quy định về mức thu học phí mới. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, trước mắt, các khoản thu trong nhà trường năm học 2011 - 2012 sẽ tạm thời thực hiện như trước đây. Theo đó, tên gọi của các khoản thu vẫn phải chia thành nhiều nhóm: các khoản thu theo quy định, thu hộ, thu theo thoả thuận, khoản thu đóng góp của cha mẹ học sinh cho ban đại diện cha mẹ học sinh - đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân.


Các khoản thu theo quy định gồm có: học phí, lệ phí thi tuyển sinh THPT, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề. Các khoản thu này căn cứ vào quy định của UBND các tỉnh/ thành Hà Nội, Hà Tây, Hoà Bình trước khi mở rộng địa giới hành chính Hà Nội. Chẳng hạn, theo quy định 73/2000/QĐ-UB của UBND TP Hà Nội, mỗi học sinh bậc mầm non phải đóng học phí từ 50.000 đồng/tháng (mẫu giáo) đến 70.000 đồng/tháng (nhà trẻ); bậc phổ thông từ 20.000 đồng/tháng (THCS) đến 30.000 đồng/tháng (THPT). Học sinh tiểu học không phải đóng học phí. Học sinh có bố mẹ làm nghề nông được đóng thấp hơn mức bình thường.


Bà Diệp cho biết, riêng các khoản thu theo thoả thuận năm nay có một nét mới: các trường tuyệt đối không được phép thu tiền bảo vệ, an ninh, trông xe, vệ sinh của học sinh; chi phí cho các khoản này trong nhà trường sẽ do ngân sách nhà nước đảm nhiệm. "Định mức chi ngân sách của thành phố năm nay dành cho các cơ sở giáo dục tăng rất nhiều so với mọi năm, đảm bảo các trường thực hiện nguyên tắc chi 70/30 (70% chi cho lương, 30% chi cho các hoạt động giáo dục - PV) nên nhà trường không có lý do gì để đẩy những khoản chi này cho phụ huynh học sinh", bà Diệp nói.


Như vậy, danh mục các khoản thu theo thoả thuận năm nay sẽ gồm tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, tiền đồ dùng cá nhân (đối với cấp học có tổ chức bán trú), tiền học phẩm, chi phí học ngày thứ 7 theo nguyện vọng đối với trường mầm non (không kể tiền ăn), tiền nước uống cho học sinh. Ngoài ra, học sinh sẽ còn phải đóng một số khoản "thu hộ", gồm tiền bảo hiểm thân thể, bảo hiểm y tế, quỹ Đoàn - Đội. Trong dự thảo hướng dẫn tăng cường quản lý thu chi trong các trường học năm học 2011 - 2012, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu tất cả các khoản thu nhà trường phải thông báo công khai bằng văn bản tới từng cha mẹ học sinh. Đặc biệt, các trường không được thu gộp nhiều khoản vào đầu năm học.


Quỹ phụ huynh: có quyền từ chối không đóng

Theo bà Diệp, dù có quy định UBND tỉnh/ thành phải đưa ra mức thu quỹ của ban đại diện cha mẹ học sinh nhưng đến năm học này, Sở GD&ĐT vẫn chưa thể tham mưu để UBND TP Hà Nội ban hành nội dung này. Bà Diệp giải thích: "Hà Nội rộng, mức sống của dân cư các khu vực rất khác nhau nên khó đưa ra được một quy định cụ thể. Vì vậy chúng tôi tạm thời hướng dẫn các cơ sở giáo dục cùng ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện đúng quy trình, đảm bảo các nguyên tắc tự nguyện, đồng thuận. Một khoản thu mà trong lớp chỉ có vài ba phụ huynh không đồng ý thì không được thu".


Theo yêu cầu của Sở GD&ĐT, đầu năm học, ban đại diện cha mẹ học sinh lập kế hoạch thực hiện các hoạt động theo nội dung nghị quyết của cuộc họp cha mẹ học sinh. Kế hoạch này phải được ban giám hiệu nhà trường thông qua. Việc đạt tới thoả thuận các nội dung chi, mức kinh phí đóng góp với từng cha mẹ học sinh không phải là nhiệm vụ của riêng trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh trường, mà phải được sự thống nhất của Hiệu trưởng nhà trường. Phương thức thu và kế hoạch sử dụng do Ban đại diện đề xuất phải trên cơ sở thống nhất với hiệu trưởng.


"Chúng tôi đi kiểm tra ở cơ sở, một số hiệu trưởng nói rằng họ không biết phụ huynh thu những gì, chi tiêu ra sao. Chúng tôi không nhất trí. Ban đại diện cha mẹ học sinh muốn thu gì, bao giờ cũng phải xin ý kiến và phải có sự đồng thuận của nhà trường. Không phải ban phụ huynh muốn thu gì thì thu. Dù cha mẹ học sinh đóng góp cho ban đại diện cha mẹ học sinh, nhưng nhà trường phải có trách nhiệm giám sát. Cha mẹ học sinh có quyền từ chối những khoản đóng góp mà ban đại diện cha mẹ học sinh lớp - trường yêu cầu, nếu không đảm bảo nguyên tắc tự nguyện và không đúng nội dung chi mà cha mẹ học sinh đã thoả thuận", bà Diệp chia sẻ.


Bà Diệp cũng cho biết, Sở GD&ĐT không khuyến khích phụ huynh đóng góp để mua sắm trang thiết bị, trang bị nội thất cho lớp học. "Ngoài khoản chi định mức theo đầu học sinh hằng năm, ngân sách thành phố còn dành một khoản lớn để chi ngoài định mức, chi theo các chương trình mục tiêu. Do đó về cơ bản thành phố không để cho các trường thiếu thốn trang thiết bị phục vụ cho hoạt động dạy học, kể cả những thiết bị hiện đại như máy chiếu", bà Diệp nói.


Năm 2011 định mức ngân sách phân bổ cho các trường học ở Hà Nội tăng trung bình hơn 2 lần so với trước đây. Cấp học mầm non, định mức là 3,4 triệu đồng/ trẻ/ năm (mức cũ là 2 triệu đồng/trẻ/năm); tiểu học là 3 triệu đồng/học sinh/năm (mức cũ là 1,35 triệu đồng/học sinh/năm); cấp THCS là 3,7 triệu đồng/học sinh/năm (mức cũ là 1,75 triệu đồng/học sinh/năm); ở cấp THPT là 4 triệu đồng/ học sinh/ năm (mức cũ là 1,88 triệu đồng). Riêng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam được cấp 15 triệu đồng/ học sinh/ năm; các trường chuyên khác 10 triệu đồng/ học sinh/ năm.


Theo Tiền Phong