|
Trẻ 5 tuổi hoạt động với cát |
Tính đến cuối năm học 2010-2011, TP.HCM có 697 trường mầm non (MN), tăng 19 trường so với năm ngoái, trong đó trường công lập chiếm 58,39%. Ngoài ra còn có 987 nhóm trẻ gia đình. Các cơ sở này đang nuôi giữ 284.090 trẻ. Riêng 5 tuổi là 83.766 trẻ - đạt 96,6% số trẻ trong độ tuổi, trong đó học 2 buổi và bán trú là 79.616 trẻ - đạt 95,04%. Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng GDMN, Sở GD-ĐT TP thì: "Với tỷ lệ trung bình này TP đã đạt phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi"...
Lấy Q.6 và Q.10 làm điểm
Q.10 là một trong số ít địa phương có trường MN công lập trải đều ở 100% phường. Toàn quận có 15 phường nhưng có tới 20 trường MN công lập. Theo đó, tỷ lệ trẻ MN, đặc biệt là trẻ 5 tuổi ra lớp tại đây khá cao. Từ năm học 2010-2011, UBND quận đã ra chỉ tiêu các phường phải huy động 100% trẻ 5 tuổi trên địa bàn vào học lớp lá. Riêng năm học 2011-2012, thực hiện Đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, Phòng GD-ĐT quận đã chỉ đạo các trường MN, giáo viên chuyên trách phổ cập phối hợp với các phường phát hành giấy mời phụ huynh học sinh đưa con, em ra lớp mẫu giáo 5 tuổi.
Không chỉ có vậy, Q.10 cũng là địa phương có truyền thống hoàn thành phổ cập từ tiểu học đến THPT. Do vậy, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đã quyết định chọn Q.10 làm điểm về công tác PCGDMN 5 tuổi.
Ngoài Q.10, Sở GD-ĐT TP còn chọn thêm một quận ở vùng ven là Q.6 làm điểm. Tính đến cuối năm học 2010-2011, tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp ở Q.6 đạt trên 100% (do có cả trẻ của các quận, huyện khác theo học). Tuy nhiên, sĩ số trẻ/lớp vẫn còn cao - 55,6 trẻ/lớp. Để giảm sĩ số theo đúng chuẩn của Đề án PCGDMN 5 tuổi mà UBND TP đã phê duyệt là 30 cháu/lớp, Q.6 đẩy mạnh việc xây dựng trường MN. Trong năm 2011 đã khởi công xây dựng bằng vốn kích cầu 2 trường MN là Rạng Đông 3 và cơ sở 2 Rạng Đông quận. Ngoài ra còn xây dựng các trường MN Rạng Đông 4, 5, 8, 11, 12 bằng kinh phí của Nhà nước.
Tại buổi họp giao ban về tiến độ thực hiện Đề án PCGDMN 5 tuổi ngày 8-8, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn chỉ đạo: "Năm 2011, trước mắt chúng ta sẽ làm điểm Q.6 và Q.10. Theo đó, trong tháng 8 này, Sở GD-ĐT sẽ làm việc với UBND hai quận nói trên. Đầu tháng 9 sẽ tiến hành kiểm tra và công nhận vào cuối tháng 9. Từ tháng 10 đến tháng 12, tiếp tục kiểm tra và công nhận 4 đến 6 quận nữa gồm: Q.1, Q.5, Q.Phú Nhuận...".
|
Cô, trò Trường Mầm non 19/5 trong giờ học |
4 "điểm nóng" cần được "giải nhiệt"
Bên cạnh những quận có nhiều thuận lợi để hoàn thành PCGDMN 5 tuổi, hiện trên địa bàn TP còn 4 quận, huyện gặp nhiều khó khăn. Đó là Q.Tân Phú, huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi và huyện Bình Chánh.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Nguyễn Tiến Đạt cho biết: "Q.Tân Phú chỉ có 28% trường MN công lập, còn lại là trường tư thục. Điều này gây không ít khó khăn trong việc thống kê trẻ. Trong khi đó ở huyện Cần Giờ chỉ có trên 50% trẻ học bán trú. Nguyên nhân là do các cơ sở MN không đủ điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức bếp ăn. Chúng tôi đã làm việc với Phòng GD-ĐT huyện Cần Giờ và tính đến phương án là cho học sinh mang cơm theo. Tương tự là huyện Củ Chi, tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp rất cao nhưng số trẻ học bán trú, 2 buổi/ngày chỉ khoảng 70-80%. Điều này khởi nguồn từ quan điểm cơ sở MN phải gắn với ấp nên có những trường MN có tới 13 điểm lẻ. Có 2 giải pháp đối với huyện Củ Chi là gom các cháu 5 tuổi cho học ở điểm chính để tiện việc học bán trú. Hoặc nấu ăn tại một điểm rồi dùng xe chuyên dụng đưa tới các điểm lẻ phục vụ nhu cầu bán trú. Huyện Bình Chánh cũng vậy, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp vẫn chưa đạt".
Bà Kim Dung cũng cho biết: "Các địa phương này đã hứa sẽ bằng nhiều giải pháp để huy động trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày, học bán trú. Tuy vậy cũng phải nói đến cái khó của các địa phương đó là trường lớp thì không đủ điều kiện làm bán trú, nếu trẻ học 2 buổi (buổi trưa đón về cho ăn, đầu giờ chiều lại đưa tới trường) thì cực cho phụ huynh, nhiều phụ huynh sẽ không chịu...".
Để hoàn thành PCGDMN 5 tuổi theo đúng tiến độ mà TP.HCM đã đăng ký với Bộ GD-ĐT vào năm 2012, ông Sơn đề nghị: "Trong thời gian sớm nhất, các phòng ban liên quan và lãnh đạo sở phải tới 4 quận, huyện này làm việc với UBND các địa phương và cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc".
Theo Báo Giáo Dục