Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đề án Phổ cập Giáo dục mầm non: Còn nhiều vướng mắc trong quản lý


Thống kê từ Vụ mầm non (Bộ GD&ĐT), trong năm học 2010-2011 toàn quốc đã huy động được trên 3,2 triệu trẻ mầm non đến lớp (tăng 116.000 trẻ so với năm học trước). Trong đó, lượng trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường là 1,3 triệu trẻ, chiếm tỷ lệ 98,5% so với số trẻ trong độ tuổi. Tại các khu vực đô thị, việc huy động trẻ mầm non 5 tuổi ra lớp vẫn được duy trì, tăng nhanh, tuy vẫn còn những vướng mắc về sự thiếu hụt trường, lớp học.


Giáo viên MN đã nhận được nhiều quan tâm

Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi của Thủ tướng Chính phủ sau hơn một năm triển khai đã thu được nhiều kết quả khả quan tại 59 tỉnh, thành triển khai đề án. Theo thống kê từ Bộ GD&ĐT, cả nước có 10 tỉnh thành đã đăng ký quyết tâm sẽ hoàn thành phổ cập GDMN vào năm 2012. Nhiều địa phương khác đã tiến hành rà soát, điều tra lượng trẻ trong độ tuổi, đưa mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi thành tiêu chí phấn đấu trong nghị quyết Đảng bộ các địa phương. Nhờ đó, chương trình đã thu hút nhiều sự ủng hộ, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, tổ chức xã hội trong mở rộng mạng lưới trường lớp, duy trì và phát triển lượng trẻ 5 tuổi ra lớp.


Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, một trong những điểm mạnh của việc phát triển đề án là nhiều địa phương đã ưu tiên dành quỹ đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trường mầm non, đảm bảo đủ diện tích không gian, khuôn viên và các điều kiện nuôi dạy trẻ theo quy định. Nổi bật tại các tỉnh Quảng Trị, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Bắc Ninh, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương... quỹ đất dành cho dự án đã được phê duyệt từ rất sớm. Tại các tỉnh vùng cao như Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái... việc xây dựng trường được lồng ghép nhiều nguồn vốn. Ngoài ra, năm học vừa qua, toàn quốc đã chuyển 2.213 trường mầm non bán công sang công lập (theo quy định của Bộ GD&ĐT); 18 tỉnh thành không có loại hình trường mầm non bán công. Hình thức này đã ổn định hơn về quyền lợi, chính sách, chế độ đối với giáo viên mầm non, nhiều địa phương đã áp dụng tăng lượng giáo viên mầm non theo định kỳ. Bằng nhiều nỗ lực của các địa phương, trong năm học vừa qua đã có trên 487 ngàn bộ thiết bị được đầu tư cùng 12,7 ngàn phòng học mầm non được xây mới dành cho đối tượng trẻ bán trú hoặc học hai buổi/ngày.


Sau hơn một năm thực hiện Đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi của Thủ tướng Chính phủ, tính đến cuối tháng 6-2011, cả nước đã có 12.970 trường mầm non. Trong đó 9.712 trường công lập (75%), 3.258 trường ngoài công lập (25%)
Thiếu trường lớp-bất cập phân cấp
Theo bà Phan Lan Anh-Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, hạn chế lớn nhất khi triển khai chương trình mới là nhiều địa bàn vùng sâu vùng xa không đủ phòng học cho trẻ học hai buổi một ngày, thiếu đồ dùng, thiết bị. Bên cạnh đó trình độ chuyên môn giáo viên còn hạn chế, đặc biệt giáo viên mới ra trường thiếu cơ bản kinh nghiệm thực tế, giáo viên lớn tuổi khó thích ứng chương trình đổi mới. Tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, việc thiếu trường mầm non đã trở thành vấn đề bức thiết cần giải quyết từ nhiều năm nay. Ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội đang thiếu rất nhiều trường, lớp học mầm non, đặc biệt là tại các khu đô thị mới. Dự tính đến năm 2030, Hà Nội cần phải xây dựng thêm ít nhất 1.014 trường mầm non. Còn hiện tại, tình trạng phụ huynh thức thâu đêm chen nhau nộp hồ sơ xin cho trẻ học mầm non (kể cả tiểu học) vẫn chưa thể khắc phục được.


Ngoài ra, do thực hiện phân cấp quản lý đối với hệ thống trường mầm non, nhà trẻ (chính quyền chịu trách nhiệm quản lý nhà nước, ngành giáo dục quản lý chuyên môn) nhưng chưa thực sự đồng bộ, vẫn để lọt nhiều cơ sở giữ trẻ chui, không giấy phép, người giữ trẻ không có nghiệp vụ chuyên môn. Điều đó đã dẫn đến nhiều vụ bạo hành trẻ xảy ra trong thời gian qua, phần lớn đều xuất phát từ những điểm giữ trẻ tự phát, không giấy phép, quy mô nhỏ mang tính gia đình (tập trung tại các thành phố lớn, khu công nghiệp). Về chuyên môn, bản thân những người làm công tác giữ trẻ này đều không được đào tạo bài bản. Mặc dù điều lệ sửa đổi về quản lý trường mầm non năm 2011 đã cho phép "Trưởng phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục đối với nhà trường, nhà trẻ", còn Chủ tịch UBND cấp huyện thì "cấp giấy phép thành lập trường hoặc thu hồi, sáp nhập, chia tách, giải thể trường mầm non, nhà trẻ". Yếu tố trên đã nâng cao vai trò, vị thế và trách nhiệm của ngành giáo dục trong quản lý giáo dục mầm non lên rõ rệt. Tuy nhiên trên thực tế, việc phối hợp giữa ngành giáo dục và cấp chính quyền một số địa phương vẫn còn lỏng lẻo, chưa thống nhất, dẫn đến phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập mà điển hình là việc bỏ ngỏ các cơ sở trông trẻ tự phát, thiếu sự thanh tra, giám sát.

 

Theo Đại Đoàn Kết