Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cách giảm muối cho bé


Trước 1 tuổi, thận của bé còn quá non nớt để xử lý muối và quá nhiều muối trong chế độ ăn có thể gây hại cho bé.

Sự cần thiết của muối

Một lượng nhỏ natri clorua (chất có trong muối) giúp duy trì dịch trong cơ thể và hỗ trợ hệ tiêu hóa. Trước 6 tháng, bé nhận đủ lượng muối cần thiết từ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Sau thời điểm này, thức ăn dặm và sữa đáp ứng nhu cầu muối cho bé.

Lượng muối phù hợp theo độ tuổi

- Bé dưới 1 tuổi: ít hơn 1g muối/ngày.

- Bé 1-3 tuổi: 2g muối/ngày.

- Bé 4-6 tuổi: 3g muối/ngày.

Đồ ăn mặn như khoai tây chiên có thể hại thận của bé.

Cách giảm muối cho bé

Nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu bé có thói quen ăn nhiều muối từ sớm thì sẽ tiếp tục duy trì thói quen này cho đến tuổi trưởng thành, đặt bé vào những nguy cơ sức khỏe như cao huyết áp và đột quỵ.
Cách tốt nhất để bé không ăn nhiều muối là giảm lượng muối bạn sử dụng. Không bao giờ được nêm muối vào thức ăn dặm của bé, cả khi nấu nướng và lúc đã chuẩn bị xong.
Bạn cũng nên để mắt tới những thành phần chứa muối trong đồ ăn mua sẵn của bé. Khoảng 1/3 lượng muối chúng ta ăn hàng ngày ẩn dưới những đồ ăn có sẵn như bánh mỳ, bánh quy, snack... Vì thế, hãy chọn những loại đồ ăn nhẹ càng ít muối càng tốt cho bé nhà bạn. Để tránh những món snack nhiều muối, hãy thay thế cho bé bằng món bánh gạo, bánh rau củ hoặc rau củ sấy khô.

Canh (soup) và các món xào, kho của người lớn thường chứa lượng muối cao; do đó, cần tránh hoàn toàn cho những bé dưới 1 tuổi.

Để món ăn hấp dẫn mà không cần muối

Có nhiều cách để món ăn ngon miệng mà không cần nêm muối. Bạn có thể thử:

- Thêm rau tươi hoặc thảo mộc tươi, khô vào món thịt hầm, pizza và nước sốt mỳ ống.

- Ướp thịt trong nước sốt để thịt có nhiều hương vị.

- Sử dụng các loại gia vị nhẹ như bột gừng, hạt tiêu, cà-ri.

- Thêm tỏi hoặc hành vào một số đồ ăn bạn nấu.

- Cho bé ăn các món luộc, không cần nước chấm.

Theo Mevabe