Chỉ bằng rơm, rạ, mạt cưa, vỏ trấu, vải và giấy vụn..., cô giáo làng Nguyễn Thị Lan, Trường Mầm non xã Quảng Thuận (Quảng Trạch, Quảng Bình), đã mang đến cho các em nhỏ những bài học sinh động... Yêu trẻ con từ nhỏ, nhưng mỗi lần nhìn các em chơi, học với những mô hình cứng nhắc, buồn tẻ là Lan cảm thấy chạnh lòng, cuộc sống vô cùng sinh động nhưng sao đồ chơi đồ học của bé lại lạnh lùng quá. Từ khi đang học trung cấp mầm non ở trường cao đẳng sư phạm tỉnh, Lan đã manh nha nghĩ tới làm mô hình động cho học trò mầm non. Nhưng sợ mọi người cười, cho là cầm đèn chạy trước... Bộ Giáo dục-đào tạo nên Lan chỉ dám mày mò làm thử vài lần nhưng đều không thành công. Mô hình làm thử, cái thì động được nhưng không đậy, cái thì chạy được nửa chừng lại đứng. Đến năm 2003, khi đã về Trường Mầm non Quảng Thuận, Lan mới thật sự bắt tay vào làm với quyết tâm tạo cho được mô hình động để các cháu say mê học tập. Có cảnh vật di động mới hợp với đầu óc tò mò của trẻ ở độ tuổi mẫu giáo nhỡ và lớn. Mày mò mãi rồi cũng ra. Năm 2005 mô hình đầu tiên của Lan ra đời. Nhìn vào mô hình thấy như một sân khấu thu nhỏ. Có khung làm bằng nhôm (để sử dụng lâu dài), rộng 0,4m, cao 0,8m và dài 1,2m. Mặt sau của sân khấu có thể dán, đính ảnh, cảnh vẽ hoặc đắp nổi các chất liệu bằng rơm, rạ, mạt cưa, trấu... thành phông phong cảnh. Hai bên hông của sân khấu là một hệ thống các que đứng cố định vào khung, các que này có khoan một số lỗ nhỏ cách đều để buộc dây nhằm di chuyển hệ thống bánh xe. Hệ thống bánh xe điều khiển có rãnh, dây gắn các con rối, tháo lắp được cho từng môn học. Khi Lan thao tác mô hình, tất cả các con rối như thỏ, gấu, sói, người thợ săn, đám mây trắng... đều chuyển động vào ra, đi lên đi xuống một cách khéo léo và rất có hồn.
Những đứa trẻ nhìn say mê lên mô hình với bao cảnh vật di động, kết hợp với lời kể của cô giáo tạo ấn tượng về câu chuyện rất sống động. Qua theo dõi của Lan, nếu trước đây các cháu chỉ chú tâm vào bài học được 15 phút thì từ khi có mô hình động, các cháu đã chú tâm được 30-40 phút. Mô hình động đa năng của cô giáo Lan có thể phục vụ tất cả các bộ môn học trong chương trình giáo dục mầm non, vừa đáp ứng được tiêu chí cơ bản là tính mới, khoa học và thực tiễn. Còn Lan thì bộc bạch: “Tôi mần ra để cho lớp học thôi, chỉ cần 200.000 đồng là bất cứ cô giáo nào cũng làm được mô hình này để giảng dạy mà”. Trong đó tốn tiền nhất là mua khung nhôm, còn tất cả vật liệu khác như bánh xe (tận dụng từ đồ chơi trẻ em bị hỏng hoặc tiện bằng gỗ), tre, gỗ, vải vụn, dây len, bìa cactông, rơm, rạ, trấu, hoa, lá, cành cây khô... (tất cả khoảng 200 hiện vật) ai cũng có thể kiếm được quanh nhà. Mô hình động đa năng của cô giáo Lan đã được nhiều trường mầm non trong tỉnh Quảng Bình đến tìm hiểu để làm theo. Đến nay đã có hơn 70 mô hình được đưa vào làm đồ dùng giảng dạy ở trường mầm non các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch. Một số trường mầm non ở Nghệ An cũng vào tham quan học hỏi. Có nhiều trường ngỏ ý đặt mua mô hình của Lan nhưng Lan nói: “Tôi chẳng mần bán cho ai mô. Ai muốn mần theo mô hình cứ đến hỏi là tôi mách cho cách, rồi về chế ra được hết. Chỉ cần mô hình được sử dụng cho các cháu học là mừng rồi”. Tuổi Trẻ |