Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tính mạng học sinh là trên hết


Không phải ngẫu nhiên mà hai năm trở lại đây, TP.HCM liên tiếp xảy ra tình trạng HS nhà trẻ bị tử vong. Năm 2005, sáu trường hợp trẻ tử vong ở nhóm trẻ gia đình. Mới đây nhất, thêm hai trường hợp nữa bị tử vong cũng là HS ở nhóm trẻ gia đình.

Theo Th.S Nguyễn Thị Kim Thanh - trưởng Phòng GD mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM - nguyên nhân dẫn trẻ đến tử vong khá giống nhau: giáo viên thiếu kinh nghiệm trong việc chăm sóc và xử lý những tình huống bất trắc xảy ra đối với trẻ.

Hầu như ở trường, lớp mầm non nào cũng có thể xảy ra các tình huống bất trắc, điều quan trọng là người nuôi trẻ phải biết cách hạn chế và xử lý đúng phương pháp. Ví dụ như chuyện HS nhóm nhỏ bị sặc sữa, sặc bột - không chỉ ở nhóm trẻ gia đình, ngay các trường mầm non công lập cũng thường gặp phải.

Khi phát hiện HS bị sặc thức ăn đáng lẽ giáo viên phải dốc ngược người trẻ xuống và vỗ vỗ vào lưng trẻ cho thức ăn thoát ra ngoài thì có trường hợp giáo viên lại ẵm trẻ lên và vuốt ngực trẻ (từ trên xuống) tạo tác dụng ngược, rất dễ gây tử vong cho trẻ. Hoặc HS sau khi uống sữa đáng lẽ phải cho ngồi ghế ợ sữa thì giáo viên dỗ cho cháu đi ngủ ngay dẫn đến tình trạng sặc sữa.

Có trường hợp HS mới năm tháng tuổi giáo viên đã cho ăn bột đặc (trong khi phải cho ăn bột loãng). Rồi giáo viên đút cháo cho cháu vội vàng, trong khi trẻ vừa ăn lại vừa ê a nói chuyện và ho... thế là thức ăn tràn vào đường hô hấp. Có trường hợp (xảy ra năm 2005) một cô tắm cho ba cháu, khi bế một cháu lên để lau người, mặc quần áo thì một cháu khác ụp mặt xuống thau nước và chết ngạt...

Th.S Kim Thanh cho biết: “Phần đông người nuôi dạy trẻ ở các nhóm trẻ gia đình hiện nay đều không có kinh nghiệm về y tế, về những trường hợp cần cấp cứu trẻ. Ngay cả những khóa đào tạo cấp tốc nghiệp vụ nuôi dạy trẻ có nơi cũng không đưa nội dung trên vào giảng dạy”. Có lẽ đã đến lúc phải đưa yêu cầu “Biết xử lý và xử lý thành thạo những trường hợp nguy cấp đối với trẻ” vào danh sách các tiêu chí đối với người nuôi dạy trẻ trước khi cấp phép hành nghề. Bởi lẽ điều quan trọng nhất vẫn là tính mạng HS.

Tuổi Trẻ