Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bước đầu cho trẻ mầm non làm quen với hiện tượng vật lý xung quanh.


BƯỚC ĐẦU CHO TRẺ MẦM NON LÀM QUEN VỚI HIỆN TƯỢNG VẬT LÝ XUNG QUANH

Hoàng Mai – Trường MGTH TW3

Vai trò của người giáo viên rất quan trọng trong việc nuôi dưõng óc khám phá cho trẻ. Làm cách nào để phát triển khả năng đó của trẻ? khắp nơi trong môi trường của trẻ thơ đều hiện hữu các yếu tố đủ để xây dựng một nền tảng vững chắc giúp trẻ làm quen với thế giới vạn vật. Cháu nhỏ và cô giáo của mình hồi hộp chờ xem một chú nhện khéo léo chăng mạng tơ với sự cân đối hoàn hảo. Sáng hôm sau, cái mạng đã hoàn tất, có vài con côn trùng nhỏ mắc vào bẫy tơ, chờ chú nhện dùng bữa. Trẻ quan sát các chú chim xây tổ, thu thập các loại lá, in dấu chân trên cát, các hoạt động này thu hút tình tò mò tự nhiên của trẻ, Thế giới xung quanh thật đa dạng, phạm vi cho trẻ nhận biết thế giới như thế nào là phù hợp?

Công trình nghiên cứu nổi bật của nhà tâm lí học người Thuỵ Sĩ, Jean Piaget, đưa ra bằng chứng rằng hiện tượng của trẻ trong giai đoạn tiền thao tác (2 – 7 tuổi) đặt cơ sở trên các cảm nhận trực quan – căn cứ vào những điều nghe và thấy trực tiếp. ví dụ, khi rót nước từ cái li thấp, bé sang cái li cao và hẹp, cháu bé tin rằng cái li cáo chứa nhiều nước hơn cái li thấp. Trẻ ở lứa tuổi này chưa có khả năng tư duy để hiểu rằng lượng nước vẫn không thay đổ. Như vậy, khi cho trẻ làm quen với các hiện tượng vật lí xung quanh, điều cốt yếu là tạo điều kiện cho trẻ tự xử lí để hiểu nguyên nhân và kết quả các hành động của mình.

Chủ động tìm hiểu là cách giúp trẻ xây dựng kiến thức tiền khoa học.

Kiến thức sơ đẳng về hiện tượng vật lí xung quanh bắt nguồn từ tính tò mò tự nhiên của trẻ và sự thôi thúc phải sờ, xem, nghe, nếm, và kiểm tra. Thông qua nhiều kinh nghiệm trực tiếp, trẻ phát triển các khả năng suy nghĩ và học tập. Giáo viên hỗ trợ bằng cách đặt câu hỏi, đưa ra lời hướng dẫn và khích lệ trẻ.

Hướng dẫn của giáo viên có vị trí đặt biết là hình thành ở trẻ tính tò mò và được thể hiện qua các câu hỏi: “Mạng nhện bắt giữ các côn trùng như thế nào?”, “Khi trời mưa chim chóc sẽ đi đâu”…, với loại câu hỏi như vậy đang đặt ra cho trẻ một vấn đề cần giải quyết. Khi giáo viên hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra khi các con đứng trong cát khô trong cát ướt” có nghĩa chúng ta đang giúp trẻ cách phỏng đoán. Câu gợi ý: “Hãy quan sát xem điều gì xảy ra khi ta đổ nước vào cát?” sẽ gợi ý trẻ làm thí nghiệm quan sát điều gì thật sự xảy ra đưa ra kết luận về kết quả thu được. khi quan sát con nhện nhả tơ làm mạng hoặc xem kết quả của mưa, là trẻ đã tham dự bước đầu vào công việc khám phá các hoạt động trải nghiệm csca hiệu ứng của năng lượng (như đun sôi nước,…), chúng đã thâm nhập bước đầu vào việc khám phá các hiện tượng vật lí xung quanh. Các câu hỏi: “Điều gì xảy ra nếu?…” thôi thúc trẻ làm thí nghiệm và tìm kiếm câu trả lời. Ví dụ:
- Điều gì sẽ xảy ra nếu con thổi lên lá cây? Lên bông gòn? Lên hòn đá?
- Ta hãy thử lại xem nào!

Giáo viên bằng cách đặt giả thuyết và yêu cầu quan sát, sẽ giúp trẻ thu nhận được kiến thức về tiền vật lí. Trẻ có thể thấy điều gì xảy ra, kết quả của điều trẻ đã làm. Với câu hỏi: “Vật nào dễ thổi bay đi? Vì sao cục đá khó lay chuyển?”, giáo viên khuyến khích trẻ tự mình có thể tìm câu trả lời. Các quan sát của trẻ có thể thiếu chính xác, song đố là căn cứ tốt nhất để giáo viên nhận ra trẻ diễn giải điều mình cảm nhận như thế nào.

Bằng cách đặt ra các câu hỏi hợp lí cho trẻ, giáo viên có thể hướng dẫn cho trẻ cách đặt câu hỏi và cách tự mình tìm ra câu trả lời. Giáo viên hướng dẫn hành động và tư duy của trẻ bằng cách dùng các câu hỏi phù hợp với khả năng của trẻ.
- Xem điều gì đang xảy ra kìa! (gợi ý quan sát).
- Có phải đó là…? (gợi ý đặt giả thuyết).
- Làm thế nào để tìm ra…? (gợi ý kiểm tra).
- Điều gì sẽ xảy ra…(gợi ý dự đoán).

Giáo viên chú ý khuyến khích tính tò mò và sáng tạo của trẻ sẽ nhận ra rằng trẻ cần thời gian và sự tự do để thực hiện quy trình thử và sai. Hối thúc trẻ và cho sẵn câu trả lời đúng có thể làm mất khả năng sáng tạo ở trẻ.

Giáo viên cần nhạy bén nắm bắt cơ hội giảng dạy một cách linh hoạt trong khi phát hiện những hiện tượng lí thú, hấp dẫn trẻ. Một con sên trong vườn, một tổ chim trên cây, một số vỏ sò ốc thu nhặt trong một chuyến dã ngoại, tất cả cung cấp cho giáo viên và trẻ nhiều cơ hội học tập thêm về môi trường. Khi trường học có nhiều loại cây và con vật, trẻ sẽ học được về sinh vật sống.

Môi trường bên ngoài là một phòng thí nghiệm phong phú để khám phá: lá úa màu, và rơi xuống đất, một úp hoa bừng nở… Thời tiết cũng có thể được đem ra thảo luận: Mưa rơi từ trên cây, các vũng lầy khô đi vào một ngày nắng, gió sẽ gây nên cảm giác mát lạnh và thổi bay nhiều thứ.

Một góc khoa học có một lồng kính trồng cây, một bộ cân, và một bộ trưng bày đá và cây cối hấp dẫn trẻ xem xét và thí nghiệm. cũng có thể khuyến khích trẻ mang các thứ của riêng mình vào lớp cùng chia sẻ. Các hoạt động học tập có chủ đề cụ thể, ví dụ: “Các cây mọc lên”, “Sự biến đổi”, có thể tạo sự tập trung bổ ích cho trẻ.

Một số hoạt động có thể chưa đưa đến sự hiểu biết hoàn toàn đầy đủ. Vật chất có thể thay hình đổi dạng song vẫn tiếp tục tồn tại, đây là một khái niệm mà các trẻ mẫu giáo không dễ gì hiểu đầy đủ. Nhưng các hành động của chúng cùng với cách đặt câu hỏi của giáo viên sẽ đặt nền tảng tốt để trẻ tìm hiểu sau này.

Tính tò mò của trẻ về hiện tượng vật lí xung quanh là một cơ hội tự nhiên để giáo dục trẻ về sinh thái và cách bảo tồn. Ta có thể dạy trẻ nhỏ ý thức bảo vệ môi sinh, tránh ô nhiễm và biết quý trọng không khí và nước sạch. Khái niệm cốt lõi của sinh thái học là điều khó có thể giảng giải cho trẻ nhỏ hiểu. Nhưng ta có thể dạy chúng các thái độ đối với rác, chất thải ô nhiễm, và giai đoạn mầm non rất thích hợp để dạy các thái độ này.

Khu vực khoa học trong trường phải là nơi trẻ có thể khám phá, thí nghiệm, và thực tập các kĩ năng khảo sát khoa học, như quan sát, so sánh, thông tin, dự đoán, và kết luận. Đó cũng là nơi để trưng bày các tư liệu từ thiên nhiên, để trẻ tìm hiểu môi trường xung quanh mình đang sống. Các tư liệu trong khu vực này nên thường xuyên thay đổi theo sự quan tâm của trẻ. Nếu một cháu bé mang vào cài cái vỏ ốc biển để chia sẻ, nên để chúng ở một chỗ đặt biệt, cùng với các dụng cụ và thiết bị phù hợp để nghiên cứu như kính lúp, sách về sò ốc và bờ biển. Việc học có thể mở rộng sang các khái niệm như xếp loại và phân nhóm theo kết cấu bề mặt (xù xì và trơn láng), cân đo…

Một khu vực khoa học bài trí tốt sẽ cho phép trẻ tự lực, có các kệ để trang thiết bị trong tầm tay với của trẻ. Dùng hình để dán nhãn các vật đựng lưu giữ. Các tư liệu cần sự giám sát của giáo viên có thể lưu giữ ở các kệ cao hơn hoặc để trong tủ. Nên tập cho trẻ quen với cách sử dụng và lưu giữ các tư liệu và trang thiết bị. Dán các hình ảnh để nhắc nhở, và nói chuyện với trẻ trong giờ họp nhóm về việc để đồ dùng trở về chỗ cũ và dọn dẹp, lau chùi sau khi làm việc xong. Tuỳ theo điều kiện cơ sỏ vật chất và không gian có được, khu vực này có thể cần có cả cát và nước. Nên đặt cái bàn gần bồn nước vì các hoạt động với cát và nước cần lau rửa sạch sẽ. Cung cấpcho trẻ các tạp dề chống thấm nước, chổi ngắn, bọt bể, và cái hốt rác. Trang bị vòi sen vừa tầm tay trẻ sẽ rất tuyệt vời. Trong khu vực khoa học nên đặt các bàn để trưng bày các tư liệu theo chủ đề. Bức mành bình phong cơ động sẽ thuận tiện để dán hình ảng, chú thích cho các vật trưng bày.

Vì khoa học là một môn toán có liên quan mật thiết với nhau, nên xếp đặt hai khu vực này ở cạnh nhau. Bằng cách đó, bạn không cần phải trang bị đến hai lần các thứ như cân, thùng đựng, và các công cụ đo đạc khác.

Có lẽ hơn bất cứ khu vực nào khác, khu vực khoa học cần nhiều chỗ để lưu giữ các tư liệu sưu tầm. Cần trao đổi để nhờ phụ huynh giúp đỡ sưu tầm thêm đồ vật, tài liệu…

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một số hình thức làm thí nghiệm gợi ý trẻ tìm hiểu hiện tượng vật lí xung quanh:

Các hoạt động cảm nhận bằng các giác quan
- Nếm:
Các vị khác nhau
- Tư liệu: nhiều món thức ăn thông dụng như: táo, bắp ngô nổ, bánh mì, chuối, cam, sữa chua…
- Cách thực hiện:
Cho trẻ xem các loại đồ ăn khác nhau
Gọi tên món đồ ăn, và nói chuyện về tính chất các món ăn: mềm, ngọt, giòn, mặn, dính, chua…
Bịt mắt hoặc yêu cầu trẻ nhắm mắt lại trong khi giáo viên bỏ vào miệng mỗi cháu một miếng thức ăn. Cho trẻ đoán xem mình đang nếm thứ gì.
Yêu cầu trẻ mô tả làm thế nào đoán ra như thế.
Lặp lại thủ tục, cho trẻ bịt mũi khi nếm.
Nói chuyện về tầm quan trọng của mùi vị giúp chúng ta nhận ra thức chúng ta nếm.

- Nhìn và sờ:
Làm sao một số vật sờ thì giống mà trông lại khác
- Tư liệu: các vật sờ giống nhau nhưng trông khác nhau, như các loại táo, búp sáp các màu khác nhau, các đồ chơi hình dáng giống nhau nhưng khác màu…
- Cách thực hiện:
Sau khi trẻ đã có chút kinh nghiệm phân biệt đồ vật bằng cách sờ tay, hãy bịt mắt hoặc cho trẻ nhắm mắt lại rồi đưa cho một vật
Để cho trẻ xem xét và mô tả vật đang cầm trong tay là gì. Nếu cháu bé đoán được ngay thì hãy hỏi bằng cách nào mà đoán ra được. Nếu trẻ cần giúp đỡ, hãy hỏi các câu về đồ vật đó, như:
- Nó nhám hau trơn? Cứng hay mềm? Tròn hay dẹt? Nó có hình dáng như thế nào? Nó màu gì?
Nói chuyện với trẻ về các vật khi sờ thì giống nhau mà khi nhìn thì lại khác nhau. Giúp trẻ hiểu chúng ta nhận biết một  số điều mà không dùng tay sờ đoán được, như màu sắc, (khi bịt mắt trẻ không thể nói được màu)

- Ngửi:
Các vật có mùi khác nhau thế nào?
Tư liệu:
+ Chén, bình thức ăn trẻ em
+ Các vật có mùi, như bạc hà, cánh hoa, hành, tỏi, táo, cam, kẹo sôcôla
Cách thực hiện:
- Để cho trẻ bỏ vào mỗi cái bình một loại chất.
- Đục lỗ ở nắp bình
- Cho trẻ ngửi từng cái bình nói chuyện về các chất trong đó.
- Khi trẻ đã quen với các mùi khác nhau, cho nhắm mắt lại và đoán trong bình chứa cáigì
- Nói chuyện về tầm quan trọng của mùi, nó có thể cảnh báo chúng ta (mùi khói - hoả hoạn) và giúp chúng ta nhận biết nhiều thứ, nếm thức ăn.
- Khuyến khích trẻ quan sát chó và loài vật khác ngửi mùi đánh hơi. Nói chuyện về mũi – đa dạng về kích cỡ, hình dáng.
- Phát triển: cắt dán các hình tạp chí tất cả các loại mũi người và loại vật
Dùng cục bông gòn tẩm mùi hương cho trẻ ngửi và nhận dạng. Cho trẻ phân biệt các lọ mùi hương.

- Nghe:
Các vật kêu tiếng khác nhau
Tư liệu: các đồ vật thông dụng
Cách thực hiện:
 Cho trẻ nhắm mắt lại trong lúc bạn tạo các âm thanh khác nhau: vỗ tay, gõ trống, mở và đóng cửa, rót nước, rung chuông…
 Cho trẻ đoán tiếng nghe được là gì và mô tả cách tạo ra nó.
 Cho trẻ thấy bạn tạo ra tiếng như thế nào và cho trẻ tự làm lấy.
 Nói chuyện về tầm quan trọng của việc nghe trong sinh hoạt hằng ngày: khi đi trên đường, nghe người khác nói, nghe hướng dẫn, nghe nhạc…
 Các tính chất vật lí và năng lượng

- Gió thổi các vật bay
Làm các đồ vật cho trẻ thổi
Tư liệu:
+ Các cọng ống hút cứng, có khớp uốn
+ Lông chim có màu
+ Lá cây
+ Li giấy hình nón
+ Bóng bàn
+ Mút độn
+ Bút chì
+ Que dài
Cách thực hiện:
Nói chuyện về không khí, không thể thấy hay chạm nó.
Hỏi trẻ: không khí là thứ không nhìn thấy, làm sao ta biết có nó?
Thảo luận các trải nghiệm quen thuộc với không khí như thổi tắt nến và thổi phình bong bóng
Cho trẻ di chuyển các vật nhẹ, như lông chim, lá cây, mút độn bằng cách thổi chúng bằng ống hút. Thảo luận về việc thổi các vật lay động
Cầm quả bóng bàn giữ ở một đầu ống hút có khớp, uốn cho đầu ống hướng lên ngay quả bóng treo lơ lửng. Cho trẻ thử làm
Giúp trẻ làm cái chong chóng gió như sau: cắt một miếng giấy hình mũi tên và dán dính nó vào một đầu ống hút, đầu kia gắn một cọng lông chim. Dùng cây que dài, một đầu vào giữa ống hút, còn một đầu cắm vào giữa cục tẩy cao su. Cho trẻ dùng một ống hút khác thổi cho cái chóng chóng đó quay, thổi ở các vị trí khác nhau
Vào một ngày có gió, lấy cái chong chóng gió đem ra sân để xem nó có quay không.

Giáo viên hỏi trẻ:
- Các con có thể đoán được gió thổi từ phía nào đến không? Các con có thể nhìn xem hay dùng vật gì khác để đoán hướng gió?
Cắt quanh miệng cái li giấy độ 2,5 cm, bẻ ngược cho nó loe ra, và đặt úp miệng xuống trên một cây bút chì dựng đứng. Cho trẻ thổi cho cái li quay tròn. Trẻ có thể trang trí cái li và mang về nhà để biểu diễn cho bố mẹ xem
Ghi chú: các hoạt động với không khí khác bao gồm thổi bong bóng, ra sân hóng gió và quan sát các vật bay theo gió (lá cây, lá cờ, mây, diều…)

- Kiểm tra các vật liệu thấm hút nước
Tư liệu:

+ Khay cactông dựng đứng
+ Các chai nhỏ mắt
+ Phẩm màu
+ Ca, li, lọ nhỏ bằng nhựa
+ Nước
+ Các vật dụng thông thường như bông gòn, bọt bể, cát, giấy, gỗ, vải, chỉ, nhựa, đá, đất, lá
Cách thực hiện:
 Nói chuyện với trẻ về từ “thấm”, và minh họa ý nghĩa bằng cách dùng khăn giấy thấm nước.
 Yêu cầu trẻ suy nghĩ về các vật khác có thể thấm hút nước.
 Cung cấp cho mỗi cháu một khay cactông trứng. Bắt đầu với khay 10 lõm trứng.
 Để cho trẻ chọn lựa các vật liệu khác, để vào mỗi lõm trứng một món. Trong lúc trẻ chọn lựa, cho chúng đoán xem món đó có thấm nước không.
 Cho mỗi trẻ một vật đựng (lọ nhỏ, chai nhỏ mắt)
 Để cho trẻ thử tính thấm nước của các đồ vật bằng cách nhỏ nước lên mỗi thứ.
 Cho trẻ quan sát và cho biết vật liệu nào thấm nước và cái nào không thấm. Hỏi xem vật nào thấm nhanh, vật nào thấm từ từ, và vật nào không thấm.
 Gợi ý trẻ xếp các vật thành hai nhóm - thấm nước và không thấm nước.
 Cho trẻ chọn lựa cái nào cho là thấm nước thì để ở một bên khay, cái nào không thấm để ở bên kia.
 Cho trẻ thử nghiệm điều mình giả định và nói những điều phát hiện,
 Cho trẻ chòn các loại vật liệu khác bổ sung vào.

- Khảo sát các tính chất của cát
Tư liệu:
bàn cát, hay thùng chứa cát
+ Li giấy (hình nón)
+ Kính lúp
+ Sàng, rây
+ Khay nhựa
+ Nước
+ Phễu
+ Ống hút
Cách thực hiện:
Nói chuyện với trẻ trong lúc trẻ chơi với cát. Hạn chế các loại trang thiết bị để tăng cường tiếp xúc trực tiếp với cát.
Giáo viên hỏi trẻ:;
- Cát đến từ đâu? thường thấy nó ở đâu?
- Điều gì xảy ra nếu ta trộn cát với nước? Cát có tan ra không?
- Cát khô với cát ướt trông khác nhau thế nào?
- Cát nào đắp được hình, cát nào không đắp được?
Đắp vài hình tượng bằng cát ướt chờ cho khô kiểm tra lại. Nói chuỵên về các tính chất của cát ướt và cát khô.
Cho trẻ thử dùng ống nhựa thổi cát. Hỏi trẻ:;
- Cát khô hay cát ướt dễ thổi bay hơn?
Cho trẻ đục lỗ to ở một số ly giấy hình nón và lỗ nhỏ ở một số li khác. Yêu cầu trẻ rót cát khô vào và so sánh tốc độ chảy qua các lỗ to và nhỏ khác nhau.
Vào cuối ngày, nói chuyện với trẻ về những hoạt động với cát đã làm trong ngày. Ôn lại và củng cố những khám phá về các tính chất của cát.

Trên đây là một số hình thức làm thí nghiêm phù hợp với trẻ từ tài liệu nước ngoài, nó có tác dụng gợi ý giúp giáo viên mầm non tham khảo để hướng dẫn trẻ làm quen với các hiện tượng vật lí xung quanh trẻ, nhằm nuôi dưỡng óc khám phá của trẻ thơ trong tương lai.

Theo tạp chí Giáo dục mầm non