Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Con nhẹ cân, mẹ lo thắt ruột


Dù đã cho con ăn rất nhiều nhưng cơ thể bé vẫn không đảm bảo đủ số cân nặng. Các mẹ đừng lo lắng, hãy tham khảo một vài gợi ý sau để cải thiện cân nặng cho bé.

Thông thường, các em bé khi mới sinh ra có cân nặng là 3 kg. Tuy nhiên, nếu bé sinh ra mà có cân nặng là 2,5 kg cũng là hiện tượng rất bình thường. Khi bé được 5 tháng, cân nặng trung bình của bé sẽ là 6 kg và bé có thể đạt 9 kg khi được 1 tuổi. Bé từ 1 tuổi trở lên, để nhận biết con mình có bị nhẹ cân hay không, các cha mẹ có thể dùng cách tính theo công thức sau: Thể trọng = tuổi x 2 + 8. Khi thấy bé có cân nặng chệnh lệch quá lớn so với cân nặng trung bình của các bạn cùng tuổi thì cha mẹ nên đưa bé đi tới gặp bác sĩ để có lời tư vấn thích hợp.

 

Khi thấy con mình nhẹ cân hơn so với các bạn bè cùng lứa, cha mẹ cũng không nên quá lo lắng. Hãy thử áp dụng một vài phương pháp sau để giúp bé tăng cân mà vẫn đảm bảo sức khỏe:

- Khi bé được 1 tuổi, không nên chỉ cho bé uống nguyên sữa mẹ vì lúc này nhu cầu dinh dưỡng của bé cần nhiều hơn thế. Vì vậy, bên cạnh việc cho bé bú sữa mẹ thì cần bổ sung các dinh dưỡng khác theo tiêu chuẩn hợp lý.
- Tăng cường các hoạt động thể lực. Bên cạnh việc bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng cho con, cha mẹ có thể cho trẻ tập những hoạt động thể lực vừa với độ tuổi của trẻ như giúp trẻ đi bộ từng bước, nằm trên giường và cho chân tay hoạt động hay cho bé tập bò để lấy đồ vật. Khi tham gia các hoạt động thể lực này, trẻ sẽ cảm thấy đói và cần nhiều năng lượng hơn, vì thế trẻ cũng sẽ ăn nhiều hơn.

- Nên cho bé ăn theo giờ cố định, việc này sẽ giúp bé có thời gian biểu về ăn uống khoa học và hợp lý. Cha mẹ nên tránh tình trạng cho bé ăn lung tung vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Ví dụ, bé đã ăn bữa phụ lúc 3 giờ thì lúc 4 giờ không nên cho bé ăn thêm gì để tránh bé bỏ bữa tối.

- Việc lựa chọn những loại thực phẩm không phù hợp và không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cũng là nguyên nhân khiến bé bị nhẹ cân. Ví dụ, các loại thực phẩm ít chất béo, thực phẩm ít calo, hàm lượng chất dinh dưỡng thấp sẽ khiến trẻ không phát triển thể lực bình thường.

- Việc cho bé ăn khi bé chưa có nhu cầu muốn ăn và nhất định không chịu ăn cũng khiến nhiều cha mẹ đau đầu. Để khắc phục tình trạng này, người lớn có thể rèn cho bé thời gian biểu ăn phù hợp, khi bé đói nhưng chưa tới giờ ăn thì chỉ nên cho trẻ ăn nhẹ một chút chứ không nên ăn quá no để tránh bé bỏ ăn vào bữa chính.

- Hạn chế cho bé ăn vặt. Bé ăn vặt quá nhiều sẽ không thích ăn ở bữa chính. Như vậy, bụng của bé dù đã no nhưng cơ thể vẫn chưa được đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng.

- Cho trẻ uống quá nhiều nước cũng là nguyên nhân khiến bé chán ăn. Người lớn nên chú ý cho bé uống đủ lượng nước mà độ tuổi của trẻ cần mỗi ngày chứ không nên cho uống quá nhiều.

- Rèn cho trẻ thói quen không nên vừa xem tivi vừa ăn, vừa chơi vừa ăn vì như vậy không tốt cho hệ tiêu hóa.
Có rất nhiều bệnh phát sinh từ việc trẻ bị nhẹ cân như viêm tai, hen suyễn, rối loạn tiêu hóa, rối loạn chuyển hóa, thiếu sắt và kẽm, bệnh ký sinh trùng, các bệnh hệ thống nội tiết. Vì vậy, cha mẹ nên chú ý hơn để đảm bảo sức khỏe cho con mình.

Theo Afamily