Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ ốm vì... thiếu sắt


Trẻ thiếu máu thường biếng ăn chậm lớn, còi cọc, táo bón, ăn hay nôn trớ...


Sắt là một yếu tố vi lượng đã được nghiên cứu từ lâu, đây là một trong ba vi chất dinh dưỡng (vitamin A, sắt, iốt) đang được quan tâm.


Mặc dù hiện diện trong cơ thể với một lượng rất nhỏ, nhưng sắt rất cần thiết cho sự sống. Nhận biết thiếu sắt ở trẻ bằng cách nào? Bổ sung sắt thế nào để trẻ khỏe mạnh...? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các bà mẹ một số kiến thức và kinh nghiệm quý.

Gan động vật là loại thực phẩm giàu chất sắt

 

Sắt cần thiết cho nhiều chức năng sống
- Chức năng hô hấp: Tạo nên hemoglobin để vận chuyển oxy từ phổi đến tất cả các cơ quan.

- Tham gia vào quá trình tạo thành myoglobin, sắc tố hô hấp của cơ.

- Sắt tham gia vào cấu tạo của nhiều enzym. Đặc biệt trong chuỗi hô hấp sắt đóng vai trò vận chuyển điện tích.

- Sắt tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể: là thành phần của enzym hệ miễn dịch.

Như vậy sắt cần thiết cho tất cả mọi người, nhưng đối với trẻ em sắt vô cùng quan trọng, vì trẻ em là đối tượng dễ bị thiếu sắt nhất do nhu cầu tăng cao, nhu cầu sắt ở trẻ còn bú mẹ tăng gấp 7 lần so với người lớn tính theo trọng lượng cơ thể.

Vai trò quan trọng nhất của sắt là cùng với protein tạo thành huyết sắc tố (hemoglobin) vận chuyển oxy cho nên thiếu sắt dẫn đến thiếu máu dinh dưỡng là bệnh phổ biến ở trẻ em. Khi thiếu máu, khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu bị giảm, làm thiếu oxy ở các tổ chức đặc biệt là tim, cơ bắp, não gây nên hiện tượng tim đập nhanh, trẻ nhỏ có thể bị suy tim do thiếu máu, các biểu hiện: hoa mắt, chóng mặt do thiếu oxy não, cơ bắp yếu và cuối cùng là cơ thể mệt mỏi. Thiếu máu não ở trẻ lớn còn làm cho trẻ mệt mỏi hay ngủ gật, thiếu tập trung trong giờ học dẫn đến học tập sút kém.

Biểu hiện của thiếu máu thiếu sắt là da xanh, niêm mạc nhợt (đặc biệt là niêm mạc mắt và môi) móng tay móng chân nhợt nhạt, móng tay dễ dầy biến dạng, tóc khô cứng dễ gãy, trẻ thiếu máu thường biếng ăn chậm lớn, còi cọc, táo bón, ăn hay nôn trớ. Xét nghiệm máu là cách tốt nhất để chẩn đoán thiếu máu. Định lượng huyết sắc tố (Hb) nếu dưới 11g Hb trong 100ml máu ở trẻ là bị thiếu máu.


Thiếu sắt còn ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể: đến hệ tiêu hóa làm trẻ biếng ăn, viêm teo gai lưỡi, khó nuốt, kém hấp thu, độ toan dạ dày giảm; đến hệ thần kinh: mệt mỏi, kích thích, rối loạn dẫn truyền thần kinh.


Sắt tham gia vào tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể, nên thiếu sắt trẻ hay bị ốm đau do hệ thống miễn dịch suy giảm.


Muốn phòng chống thiếu sắt cho trẻ em, các bà mẹ cần phải làm gì?

Vì lượng sắt ở trẻ sơ sinh lệ thuộc vào sắt của bà mẹ cho nên từ lúc mang thai, bà mẹ phải ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhất là các thực phẩm có chứa nhiều sắt, có thể uống thêm viên sắt bổ sung nếu ăn uống chưa được đầy đủ.


Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho bú đến 24 tháng.


Đến 6 tháng cho trẻ ăn bổ sung với đầy đủ các chất dinh dưỡng từ 4 nhóm thực phẩm (chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng) đặc biệt chú trọng các loại thực phẩm giàu sắt và vitamin C (giúp tăng cường hấp thu sắt).


Giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống để tránh nhiễm giun sán, không đi chân đất để tránh nhiễm giun móc (giun móc ký sinh ở ruột non, gây mất máu), tẩy giun định kỳ cho trẻ 6 tháng một lần.


Điều trị các bệnh nếu trẻ mắc phải: suy dinh dưỡng, tiêu chảy, viêm phổi, viêm tai...


Khi trẻ có các biểu hiện của thiếu sắt: thiếu máu, mệt mỏi, biếng ăn, học kém... cần cho đi khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.


Sau đây là bảng hàm lượng sắt trong 100g các loại thực phẩm giàu sắt để các bà mẹ tham khảo, lựa chọn thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày:


Lưu ý: Khi ăn các thực phẩm giàu sắt thì phải ăn các thực phẩm giàu vitamin C để giúp tăng cường hấp thu sắt: ăn nhiều rau xanh và quả chín, nhất là các loại quả: bưởi, cam, quýt, chuối, xoài... vì ăn những loại quả này vitamin C không bị mất nhiều do không phải qua chế biến.


Một số phủ tạng động vật (tim, gan, thận, tiết) chứa nhiều chất sắt nhưng cũng chứa nhiều cholesterol, do vậy chỉ nên ăn 1-2 lần mỗi tuần.

 

Theo TS. Lê Thụy Hải
Sức khỏe&Đời sống