Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mời cơm


Khỉ con! Sao con chưa mời cơm ông bà, ba mẹ? - Chú đó không mời cơm mà lại ăn trước cả mẹ chú ấy nữa, chú đâu có bị la đâu mẹ? Vừa nói bé vừa chỉ tay lên màn hình tivi.


Bé đã nhìn thấy cảnh ấy và bao biện cho mình. Tôi trả lời: "Chắc chú ấy bận suy nghĩ việc gì nên quên". Bé phụng phịu: "Sao mẹ của chú không nhắc nhở chú mà mẹ lại nhắc con? Dọn cơm ra là để ăn, đâu cần phải mời?"...


Để cứu tôi "một bàn thua trông thấy", chồng tôi đã đánh lạc hướng con bé bằng cách bảo con ăn đùi gà ram. Bữa cơm hôm ấy vẫn diễn ra vui vẻ như mọi ngày, nhưng tôi cảm thấy áy náy về ánh mắt của con, dường như con không hài lòng với lời đề nghị của tôi.Việc mời cơm của gia đình tôi vẫn luôn duy trì. Tôi nhớ hồi còn đi học mẫu giáo, giờ cơm là lúc ồn ào nhất và chỉ ổn định khi tiếng thước vang lên báo hiệu bắt đầu bữa cơm. Cả lớp đứng dậy, khoanh tay, đồng thanh: "Cháu mời cô ăn cơm, mời các bạn ăn cơm". Không khí ồn ào trở lại bởi cuộc đua xem ai ăn nhanh nhất, ai ăn nhiều nhất...


Năm cuối cấp, tôi qua nhà bạn ôn thi, đến bữa cơm, tôi mời ba mẹ của bạn. Bạn gạt đi: "Nhà mình vào mâm là ăn cơm, không phải mời mọc gì hết". Tôi sượng sùng trước thái độ vô tư của bạn, còn mẹ của bạn thì cười xòa nửa xác nhận nửa phân bua.


Hôm trước, tôi chở con gái qua nhà người đồng nghiệp chơi, con cô ấy cũng cùng tuổi với Khỉ con nhà tôi nên hai đứa dễ dàng quen thân. Vào bữa cơm, vẫn như ở nhà, con gái tôi khoanh tay mời cơm trước sự ngạc nhiên, tò mò của cậu bạn mới. Bạn tôi thưởng cho con tôi cái đùi gà to nhất - món ăn mà bé rất thích. Không muốn thua bạn, cậu bé chủ nhà cũng liền làm theo. Bạn tôi lại thưởng cho con trai. Suốt bữa cơm, bọn trẻ đua nhau mời người lớn các món ăn để được khen ngoan và được thưởng. Khi ra về, cậu bé lắc tay tôi: "Hôm nay chơi trò mời cơm vui ghê, mai mốt cô chở bạn tới nhà con chơi nữa nghen!". Tôi bật cười, hỏi cậu bé có thấy vui nhiều không. Cậu nhe răng cười và vỗ bụng, chứng tỏ vì vui nên ăn nhiều cơm.


Ảnh: P.Huy


Một nét đẹp truyền thống, qua mắt trẻ thơ lại trở thành trò chơi mới mẻ.Văn hóa cư xử trong bữa cơm của người Việt Nam ở từng vùng, miền tuy có khác nhau nhưng vẫn có nét chung, đó là sự đầm ấm và thân mật. Tôi nghĩ, để tạo nên những điều đó cần có sự góp công không nhỏ của việc mời cơm. Nhịp độ cuộc sống ngày nay nhanh hơn khiến bữa ăn cũng vội vã hơn nên người ta đã lược bớt phần chào mời. Chính vì thế, nhiều bữa cơm chỉ còn ý nghĩa giải quyết vấn đề... bao tử.


Lời mời tuy đơn giản nhưng tác dụng của nó rất lớn, nó có thể kéo các thành viên lại gần nhau hơn; nó giúp phát huy tình cảm gia đình trong từng thành viên; góp phần cải thiện chỉ số EQ của trẻ em, một vấn đề đang được quan tâm trong xã hội thời nay. Để giúp các gia đình giữ gìn và phát huy thói quen tốt đẹp đã trở thành truyền thống này, tôi nghĩ, các trường học cũng nên chung tay phổ biến và nhân rộng ra cộng đồng. Tôi mong ước được nghe lại âm thanh thân quen mỗi khi đi qua trường mẫu giáo "Cháu mời cô ăn cơm, mời các bạn ăn cơm".


Theo PN