Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Ngành giáo dục: Đột phá trong quản lý


Năm nhiệm vụ trọng tâm năm học 2010-2011 với chủ đề "Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục" đã được ngành GD-ĐT hoàn thành với những kết quả đáng ghi nhận. Chất lượng giáo dục có chuyển biến nhờ những giải pháp quản lý phù hợp đã tác động đến từng nhà trường và làm thay đổi cả hệ thống.


Giờ học với mô hình tại Trường Mầm non Việt - Bun, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Bích Ngọc


Chuẩn hóa để đổi mới
Chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (GD) luôn được coi là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nhưng trong năm học vừa qua, giải pháp cũng vừa là nhiệm vụ trọng tâm này đã được ngành chuẩn hóa bằng đề án quy hoạch đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý trong hệ thống GD quốc dân giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020; bằng hệ thống thông tư quy định chuẩn hiệu trưởng các cấp học phổ thông, mầm non và chuẩn giám đốc trung tâm GDTX. Chuẩn nghề nghiệp giáo viên (GV) mầm non, tiểu học, trung học, chuẩn hiệu trưởng trường trung học đã được các địa phương bước đầu triển khai thực hiện đại trà, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, GV về trình độ đào tạo mà còn cả về năng lực, hiệu quả hoạt động. Tính đến năm học 2010-2011, tỷ lệ trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn của đội ngũ nhà giáo tiếp tục tăng so với năm học trước với 89,74% GV nhà trẻ, 96,03% GV mẫu giáo; 99,46% GV tiểu học; 96,48% GV THCS; 99,14% GV THPT đạt trình độ đào tạo từ chuẩn trở lên, trong đó tỷ lệ GV đạt trên chuẩn đào tạo đối với mầm non 32,9%; tiểu học 61,3%; THCS 46,2%; THPT 6,93%. Chuẩn hóa trình độ và năng lực; tạo điều kiện cho các thầy cô cọ xát, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi các cấp, thi sử dụng thiết bị giáo dục và tự làm đồ dùng dạy học; thi đua trong các cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo", đồng thời ban hành và thực hiện các chính sách với nhà giáo và cán bộ quản lý GD đã góp phần làm cho thầy ngày càng ra thầy.


Với đội ngũ có chất lượng khá, những đổi mới trong chỉ đạo của Bộ GD-ĐT đã được triển khai có hiệu quả hơn. Ở bậc học mầm non, đó là năm đầu tiên triển khai thực hiện đề án phổ cập GD mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 theo Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 9-2-2010 của Thủ tướng Chính phủ, thêm 34,1% số trường triển khai chương trình GD mầm non mới. Với GD phổ thông, đó là thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, ra đề kiểm tra theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, bao quát chương trình, đánh giá phân hóa trình độ HS; tăng cường triển khai dạy kỹ năng sống cho HS. Chương trình tiếng Anh bắt buộc ở tiểu học được triển khai thí điểm tại 20 tỉnh, 92 trường tiểu học, cho 13.000 HS. Các nhà trường cũng đã triển khai bàn giao chất lượng HS từ lớp dưới lên lớp trên ở tiểu học và từ tiểu học lên THCS để chấm dứt tình trạng HS ngồi sai lớp. Các địa phương đã thực hiện tích hợp các môn học và hoạt động GD nhằm bảo đảm nội dung GD nhưng không gây quá tải cho HS, thực hiện "bốn không" (không đi học muộn, không nghỉ học không phép, không bỏ giờ, không vi phạm quy chế thi, kiểm tra); "ba tốt" (chuẩn bị bài ở nhà tốt; thảo luận, xây dựng bài tốt; phấn đấu đạt nhiều điểm tốt); vận động GV, HS tham gia "ba đủ", giúp đỡ HS có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, có đủ điều kiện cần thiết để đi học chuyên cần. Ở các trường TCCN, nhiều môn học tự chọn đã được đưa vào chương trình giảng dạy, 90% số trường đã công bố chuẩn đầu ra.


Phân cấp để quản lý
Cùng với nhiệm vụ thường xuyên là nâng cao chất lượng dạy và học, một nhiệm vụ được ngành GD xác định là giải pháp mang tính đột phá, thúc đẩy đổi mới toàn ngành, đó là đổi mới công tác quản lý. Tiếp tục những giải pháp đổi mới trong nhiều năm, nhưng năm qua, ngành đã tập trung thực hiện phân cấp quản lý về GD. Bộ GD-ĐT đã trình Chính phủ ký, ban hành Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24-12-2010 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về GD, theo hướng tăng cường phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ của các cơ sở GD. Các sở GD-ĐT đã chủ động để thực hiện chức năng quản lý, cả về chuyên môn lẫn công tác tổ chức, kế hoạch tài chính. Với những mức độ khác nhau, thủ trưởng các cơ sở GD đều được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế, kinh phí quản lý hành chính, tài chính...


Cùng với giao quyền cho cơ sở, Bộ GD-ĐT đã tập trung vào việc soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó ưu tiên các văn bản thực hiện Luật Giáo dục, các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, các văn bản quy định và hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về GD, tạo hành lang pháp lý đẩy mạnh công tác quản lý GD từ cấp trung ương đến địa phương. Trong năm 2010, 59 văn bản đã được ban hành; con số này trong 6 tháng đầu năm 2011 đã là 31. Bộ máy thanh tra GD các cấp tiếp tục được kiện toàn và triển khai có hiệu quả công tác thanh, kiểm tra, với hàng loạt đợt thanh tra chuyên ngành. Các sở GD-ĐT đã thanh tra theo kế hoạch, và thanh tra toàn diện 836 cơ sở GD trực thuộc; thanh tra hoạt động sư phạm 19.507 nhà giáo; thanh tra việc quản lý và sử dụng thiết bị dạy học được 1.120 cơ sở GD trực thuộc; 59 sở GD-ĐT đã thực hiện thanh tra công tác quản lý tài chính; 40 sở GD-ĐT thanh tra việc ứng dụng CNTT; 53 sở GD-ĐT thực hiện thanh tra công tác quản lý GD. Công tác kiểm tra, thanh tra của Bộ và của các sở GD-ĐT đã góp phần đáng kể vào việc giữ vững kỷ cương nền nếp học đường.


Dẫu còn những nơi chất lượng GD chưa đạt được mục tiêu đề ra và mong muốn của xã hội, nhưng kết quả của năm học 2010-2011 cũng đã tạo tiền đề để ngành GD tiếp tục đổi mới rõ nét hơn trong những năm tiếp theo.

Dự toán ngân sách chi cho lĩnh vực GD-ĐT năm 2011 được giao là 145.541 tỷ đồng (tăng 9,18% so với 2010), trong đó: chi thường xuyên sự nghiệp là 106.430 tỷ đồng (tăng 13%), chi chương trình mục tiêu quốc gia là 3.700 tỷ đồng (tăng 15,6%), chi đầu tư phát triển là 35.411 tỷ đồng (tăng 1,93%). Phần ngân sách do địa phương trực tiếp phân bổ, quản lý và sử dụng là 113.520 tỷ đồng, chiếm 78%.


Cả nước đã có thêm 409 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường mầm non đạt chuẩn lên 2.454 trường, đạt tỷ lệ 18,9% (tăng 3,0%); đã triển khai xây dựng 22.930 phòng học, đưa vào sử dụng 11.436 phòng; xây dựng 5.783 phòng ở công vụ cho giáo viên, đã đưa vào sử dụng 3.417 phòng.


Theo HNM