Chương trình giáo dục mầm non (GDMN) mới giúp học sinh (HS) mạnh dạn, tự tin hơn, phát triển về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội và phát triển thẩm mỹ. Tuy nhiên, những "ngộ nhận" trong việc thực hiện chương trình GDMN mới khiến giáo viên (GV) tự gây quá tải cho mình.
Cho cái "không cần"
"Trong buổi thanh tra ở một trường MN tiên tiến cấp TP, tôi thấy suốt cả buổi sáng, không một HS nào được ra sân chơi. Điều này làm tôi cảm thấy rất đau lòng", bà Lê Thị Liên Hoan, Phó trưởng phòng GDMN, Sở GD-ĐT bộc bạch. Nỗi đau đó còn kèm thêm lo lắng, nếu nhiều GV của một trường giỏi cấp TP "quên" thì lấy gì đảm bảo các trường "nhỏ" khác nhớ kết luận của các nhà khoa học: những đứa trẻ được ra sân ngồi, cho dù không được tổ chức chơi thì trí não vẫn phát triển hơn nhiều so với những đứa trẻ học rất nhiều nhưng cứ thu mình trong bốn bức tường.
Thiên nhiên là "ông thầy" tốt giúp trẻ tự học, tự quan sát, nhưng không hiểu vì sao các GV lại ngại dẫn HS ra sân chơi. Tuy thế, một số GV lại rất hứng thú làm học cụ, đặc biệt học cụ phục vụ cho thao giảng. Một GV khoe: "Tôi đến trường từ 5g sáng để chuẩn bị đồ chơi cho các bé". GV này đã nhọc công lấy vỏ bưởi xắt thành hình "hột lựu", xắt đến mỏi tay. GV khác lại lấy củ cà rốt cắt thành miếng nhỏ làm đồ chơi, cũng kỳ công không kém. "Tại sao GV không để trẻ tự xé vỏ bưởi theo khả năng và ý thích của các em?", bà Lê Thị Liên Hoan đặt câu hỏi. Cô chỉ cần cung cấp "nguyên liệu", còn trẻ tự làm sẽ giúp các em hứng thú, đồng thời rèn luyện đôi tay nhiều hơn. Và khi ấy, cô cũng được giảm tải.
Ảnh minh họa
Theo Sở GD-ĐT, không phải tiết học nào cũng bắt buộc GV làm học cụ. Chương trình mới cho phép GV chủ động hoàn toàn trong việc sắp xếp kế hoạch, nội dung giảng dạy. GV phải tạo điều kiện cho trẻ được tham gia làm đồ dùng học tập, đồ chơi, không đòi hỏi trẻ phải làm được ngay, mà quan trọng là khơi gợi được sự hứng thú và sáng tạo nơi trẻ. Nhiều trường MN còn "nghèo" đồ chơi, các trường nên huy động mỗi HS, phụ huynh mang một món đồ không còn sử dụng góp vào trường. Như vậy, trường sẽ có bộ sưu tập đồ chơi đa dạng, phong phú. Nhiều trường MN sử dụng vỏ hộp sữa tươi làm đồ chơi cho trẻ. Nhưng theo khuyến cáo của Sở GD-ĐT, không nên dùng vỏ hộp sữa vì sữa còn sót lại dễ lên men, không đảm bảo vệ sinh.
Phương pháp giáo dục của chương trình MN mới yêu cầu tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ theo phương châm "chơi mà học, học mà chơi". Nhưng qua một năm thực hiện chương trình, vẫn còn GV chưa biết khai thác sự sáng tạo, hứng thú của trẻ mà còn áp đặt. Cái "cần" cho trẻ là môi trường thiên nhiên thì cô lại không cung cấp, trong khi cô còn làm thay việc cho trẻ, khiến cô mệt mỏi, căng thẳng và dễ stress.
Không ép trẻ ăn
Quan điểm giáo dục mới không tính điểm thi đua cho giờ ăn, nhưng thực tế không phải GV nào cũng "lắng nghe và thấu hiểu". Do vậy, giờ ăn ở một số nơi trở thành giờ cực hình của trẻ. Mới nhất là vụ một GV giỏi của trường MN P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM đã đánh bầm mông trẻ vì trẻ kén ăn. Theo bà Vũ Thị Xuân Liên, Hiệu trưởng Trường MN Vàng Anh, bạo hành trẻ thường xuất phát từ giờ ăn, cô ép trẻ ăn đến độ đút liền tay, khiến trẻ la hét, sặc thức ăn. Năm học vừa rồi, các trường của TP đã thực hiện đổi mới bữa ăn cho trẻ như tổ chức ăn buffet, ăn sáng theo nhu cầu và sở thích của trẻ. Nỗ lực đổi mới của ban giám hiệu một số trường đã được GV đón nhận khá e dè, không ít cô than "cực quá!". Mới hay, thay đổi một thói quen, cách làm đã ăn sâu thành "nếp" không dễ chút nào. Vì vậy, theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng GDMN, Sở GD-ĐT, trong năm học mới 2011 - 2012 này, các trường MN tiếp tục thực hiện đổi mới bữa ăn cho trẻ. Ban giám hiệu phải nhắc nhở GV không ép trẻ ăn, làm sao để giờ ăn trở thành một niềm vui của trẻ. Với trẻ biếng ăn, GV cần kiên nhẫn thay đổi hình thức bữa ăn, tạo hứng thú giúp trẻ ăn một cách tự nguyện.
GV chính là người tạo "sức bật" cho chương trình GDMN mới, tùy theo trình độ của trẻ và thực tiễn của địa phương để xây dựng nội dung và kế hoạch giáo dục trẻ phù hợp với chủ đề và lứa tuổi. Tuy nhiên, nhiều GV vẫn còn lúng túng khi xây dựng các hoạt động giáo dục theo hướng tích hợp, chưa biết lồng ghép các kiến thức, kỹ năng và tích hợp các mặt phát triển cho phù hợp với độ tuổi. Bà Nguyễn Thị Kim Dung cho rằng, do trình độ GV và cán bộ quản lý GDMN hiện nay chưa đồng đều. Trong khi đó, cô N., GV tại Q.3 than: "Số lượng trẻ trong một lớp quá đông khiến GV khó tổ chức các hoạt động để phát huy tính tích cực của trẻ cũng như khó đảm bảo cho mỗi trẻ được tham gia hoạt động. Cường độ lao động vất vả (10 - 12 tiếng/ngày) trong khi chế độ lương bổng thấp cũng ảnh hưởng đến sức khỏe GV, đến chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ".
Dẫu cho đồng lương chưa tương xứng với sức lao động của GVMN, nhưng nếu GV tránh những "ngộ nhận" của chương trình mới cũng là cách tự giảm tải cho mình. "Nhiều GV đánh giá, việc đổi mới trong chương trình GDMN mới giúp họ sắp xếp công việc hợp lý, làm việc nhẹ nhàng hơn. Nếu đổi mới mà cô khổ hơn thì không nên đổi mới làm gì...", bà Lê Thị Liên Hoan nói.
Chương trình GDMN mới được thực hiện thí điểm tại một số tỉnh, thành từ năm học 2009 - 2010, đến năm 2013 sẽ áp dụng đại trà trên toàn quốc. Chương trình đặt mục tiêu giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp 1. Chương trình GDMN mới cũng giúp hình thành và phát triển ở trẻ em những năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời.
Theo PN