Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Con thích cắn người khác


Chỉ ngồi chơi được một tí xíu là bé Rosa nhào đến cắn bạn. Rosa phải cắn đến khi nào bạn khóc thét lên thì mới chịu tha.

Bé Rosa - con chị Tuyết mỗi khi chơi với bạn dù là bạn trai hay gái bé đều cắn hết. Chỉ ngồi chơi với bạn một tí xíu là bé nhào đến cắn, cắn cho đến khi bạn khóc thét lên mới chịu thôi. Mà nhiều khi không phải vì bạn trêu chọc hay tranh giành đồ chơi của bé. Như một sở thích, Rosa cứ thế cắn bạn khiến cô giáo và ba mẹ của các bạn rất bức xúc.

 

Chị Tuyết đã làm nhiều cách từ nhỏ nhẹ khuyên bảo đến la mắng, thậm chí bây giờ mỗi lần con cắn bạn, chỉ vả vào miệng bé và nói: "Lần sau con còn cắn bạn thì mẹ sẽ đánh như vậy nữa nhé"; nhưng Rosa cứ vâng dạ để đấy rồi lại quên ngay. Có lần cảm thấy bất lực với con, chị Tuyết đành cắn vào tay con sau khi Rosa cắn bạn để cho bé cảm nhận được sự đau đớn nhưng cũng vô ích, Rosa chỉ sợ lúc đó rồi lại quên ngay.
"Mình thấy rất lo lắng vì hình như với bé trò cắn bạn đến khi bạn khóc là một niềm vui của bé vậy. Bây giờ mình phải làm sao đây?".

Một tranh với em gái gói bim bim, cu Tũn đã vô tình cắn em một cái. Thấy nét mặt em hoảng sợ, thế là từ đó cu cậu cứ hay chơi trò "thể hiện sự mạnh mẽ" lên em để tranh giành đồ chơi hay bất cứ thứ gì.

Dần dần, sở thích cắn của Tũn lan sang cả ông bà hay bất cứ ai ở gần bé. Có lúc thấy con hùng hổ giật tóc, cắn bạn rồi dửng dưng quay đi, mẹ không kiềm chế được nên "tét" cho con mấy cái vào má, nhắc lần sau không được thế. Cu Tũn có vẻ sợ, mếu máo tội nghiệp. Nhưng những lần sau còn tệ hơn.

Nguyên nhân khiến bé thích cắn

- Khoảng từ 6-8 tháng tuổi bé bắt đầu mọc răng nên bứt rứt lợi, thích cắn để tìm cảm giác dễ chịu. Cha mẹ có thể chọn đồ vật sạch, mềm, an toàn cho bé thỏa chí cắn.

- Muốn gây sự chú ý : Điều này thường xảy ra với các bé trên 1 tuổi. Khi không được cha mẹ quan tâm hằng ngày, trẻ tìm cách gây chú ý. Và việc cắn người khác cũng nhằm mục đích đó. Với nguyên nhân này, cha mẹ hãy dành cho con nhiều thời gian hơn nữa. Ôm bé, đọc truyện hoặc cùng nhau lăn qua lăn lại trên sàn nhà hơn là trách mắng, rầy la.
- Bắt chước người khác : Các em bé trên 1 tuổi thích bắt chước. Đôi khi bé nhìn thấy người khác cắn và muốn thử xem sao. Nếu bạn cắn lại nhằm trừng phạt trẻ, bạn đã vô tình dạy bé nó được quyền làm thế.

- Với bé lớn hơn (khoảng 2-3 tuổi), bé coi cắn là phản ứng khi bực tức hoặc lúc muốn tranh giành đồ chơi... Những lúc căng thẳng hay thất vọng, nhiều bé chọn cách nhai, cắn, mút đồ vật (thậm chí là ngón tay) để giải tỏa. Cha mẹ có thể mua thêm món đồ tương tự cho con. Trẻ em dưới 3 tuổi chưa thực sự hiểu về khái niệm chia sẻ. Bé chưa có kỹ năng thương lượng hoặc nhìn nhận theo quan điểm của người khác.
Tốt nhất khi thấy bé chuẩn bị cắn, người lớn phải nghiêm mặt lại, tỏ vẻ giận dữ thực sự để bé sợ. Cần giúp bé hiểu được cắn là một việc làm sai lầm và gây đau cho người khác. Không cổ vũ hành vi này ở bé dù bất kỳ lý do nào. Thông thường khi qua giai đoạn ngứa lợi, bé sẽ thôi không cắn nữa.

Theo Afamily