Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Những lưu ý quan trọng khi cho trẻ ăn uống


Ăn uống đóng vai trò quan trọng bậc nhất đối với sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ em. Tuy nhiên không phải cha mẹ nào cũng biết cách cho con ăn uống khoa học.


Sau đây là một số lưu ý giúp cha mẹ chăm con tốt hơn:


1. Không ăn thực phẩm chế biến công nghiệp
Thực phẩm chế biến công nghiệp với đủ chủng loại phù hợp mọi lứa tuổi như bột, cháo dinh dưỡng, bim bim, bánh kẹo hiện đang được các gia đình sử dụng phổ biến cho trẻ. Tuy nhiên, loại đồ ăn này có không ít mặt trái.

 

Kết quả công trình nghiên cứu công bố trên tạp chí "Journal of Epidemiology and Community Health" tháng 2/2011 của đại học Bristol (Hoa Kỳ) cho thấy: Trẻ hàng ngày ăn nhiều thực phẩm chế biến công nghiệp có chỉ số thông minh IQ thấp hơn bạn đồng lứa được cung cấp thực đơn lành mạnh.


Công trình nghiên cứu được tiến hành trên gần 4000 trẻ. Các tác giả công trình đã phát phiếu thăm dò đến các bậc cha mẹ và thu thập thông tin về các dạng thức ăn được sử dụng cho trẻ từ 3 - 8,5 tuổi. Kết quả phân tích cho thấy, từ lúc 3 tuổi, trẻ ăn nhiều thực phẩm chế biến công nghiệp giàu chất béo "xấu" dạng trans và đường đơn khi đến 8,5 tuổi có IQ thấp hơn bạn đồng lứa ăn nhiều rau xanh, hoa quả, ngũ cốc chế biến dạng thô và cá... Các chất béo trans hiện phổ biến trong các loại bimbim, bánh ngọt, các món chiên rán khoái khẩu của nhiều gia đình. Chúng đặc biệt độc hại đối với hệ tuần hoàn máu - làm gia tăng nồng độ cholesterol "xấu", tăng nguy cơ xơ vữa thành mạch, suy giảm sức khoẻ trái tim.


Tại Anh quốc, nhóm nghiên cứu của Đại học Southampton cũng khẳng định trẻ bước vào độ tuổi ăn dặm nếu được ăn các món chế biến tại nhà sẽ lớn nhanh hơn, phát triển hệ cơ tốt hơn trẻ ăn thức ăn công nghiệp. Tiến sĩ Sian Robinson, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: "Những trẻ có chế độ ăn dặm chất lượng gồm rau quả tươi và các món ăn do mẹ chế biến sẽ "chắc nịch" hơn ở tuổi lên 4.


Xuất phát từ những nghiên cứu trên, các nhà khoa học đề xuất, dù bận rộn thì các bậc cha mẹ cũng nên tự chế biến đồ ăn cho trẻ, đặc biệt là giai đoạn trẻ tập ăn dặm từ 6 - 12 tháng.


2. Bữa ăn vui vẻ giúp tăng cường sức khỏe
Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định ăn uống cần phải tập trung, không nên trò chuyện. Tuy nhiên, đối với trẻ em, trò chuyện trong bữa ăn lại phát huy tác dụng tích cực đối với sức khoẻ. Thậm chí, nhiều nghiên cứu còn cho thấy, trong lúc trẻ ăn, cần phải có những câu chuyện vui vẻ giữa các thành viên trong gia đình. Nghiên cứu được tiến hành tại Ba Lan khẳng định: ngoài tác dụng gắn kết các thành viên với nhau, bữa ăn chung gia đình vui vẻ nếu được duy trì thường xuyên có tác dụng giảm thiểu mức độ rối loạn dinh dưỡng.


Đặc biệt, đối với trẻ bị hen suyễn, bữa ăn chung gia đình với sự tương tác giữa các thành viên còn có tác động mạnh đến phổi của trẻ, làm giảm mức độ triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, người lớn trong gia đình cần phải lưu ý đến chủ đề trò chuyện, tốt nhất là những câu chuyện vui vẻ, những dự định đi chơi, picnic, mua sắm, chuyện về thế giới của trẻ. Sự vui vẻ trong bữa ăn còn giúp trẻ ăn uống hào hứng hơn, tăng cường tiết các dịch tiêu hoá giúp hấp thu tối đa nguồn dinh dưỡng.


3. Nước tăng lực huỷ hoại sức khoẻ

Các nhà khoa học Mỹ cảnh báo nước tăng lực có thể nguy hiểm đối với thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ em. Nguyên nhân chính là do sự dư thừa những hợp chất làm tăng nhịp tim, nguy cơ tai biến não.


Các loại nước tăng lực thường có các thành phần làm gia tăng tác dụng của các hợp chất nguy hiểm trên. Sau tim, não, hệ tuần hoàn và gan của trẻ cũng bị tác động ghê gớm. Cơ thể trẻ chưa trưởng thành chưa biết cách để phân hủy và đào thải các hợp chất nguy hiểm.


Các nhà khoa học tại đại học Miami (Hoa Kỳ) công bố trên tạp chí Pediatrics: các loại nước tăng lực gây hậu quả tiêu cực đối với cơ thể non trẻ, điển hình là tác động loạn nhịp tim, buồn nôn và tiêu chảy. Vì thế, các tác giả khuyến cáo giới bác sĩ nhi khoa nên có thói quen hỏi bố mẹ trẻ về việc có cho trẻ uống nước tăng lực hay không và làm giảm thiểu việc làm này lại.


Theo afamily