Bí quyết chuẩn bị tâm thế cho bé vào lớp 1 "Lúc con 3-4 tuổi, mình nghĩ trẻ cần được chơi nên chẳng bắt học bao giờ, nhưng giờ thấy bạn cùng tuổi con đều đã biết viết, mình hoảng quá nên phải cho đi luyện chữ và toán cấp tốc", chị Nụ (Linh Đàm, Hà Nội) nói về cậu con trai sẽ vào lớp 1 năm nay. Ngày ngày, anh chị tất bật thay nhau đưa đón con đến lớp luyện chữ và tập toán cách xa nhà 5 cây số. Rút kinh nghiệm từ cô con gái đầu lòng, chị Ngọc (chợ Kim Liên, Hà Nội) đã cho cậu con trai gần 6 tuổi đi ôn luyện từ sau Tết. "Hồi trước mình nghĩ lớp một thì cũng chỉ có tập đọc, viết, toán đơn giản thôi, đến lớp con học cũng được. Thế nhưng, vào năm học, cô giáo chê con viết chậm và kém nhất lớp, thế là tối nào hai mẹ con cũng phải đánh vật với nhau đến tận 11 giờ để hoàn thành các bài con làm dở trên lớp và làm thêm bài cô giao", chị Ngọc kể lại. Sau "bài học" trên, với cậu con trai thứ hai, khi cháu được 5 tuổi chị đã đưa con đến nhà một giáo viên tiểu học nhờ cô rèn cho cháu cả tập đọc, tập viết lẫn làm toán. "Giờ thì khỏe re rồi, cháu đã đọc thông viết thạo. Dù vậy mình vẫn không chủ quan được, phải luyện tiếp", chị nói. Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa trẻ bước vào năm học mới. Nhiều ông bố bà mẹ có con vào lớp một sốt sắng chuẩn bị mọi thứ cho bé đến trường.Ngoài trang bị dụng cụ học tập, phần lớn các em đều đã được luyện chữ, học toán trước. Trên các diễn đàn dành cho các bậc cha mẹ, những topic như "tìm gia sư cho con sắp vào lớp 1", "Cho con luyện chữ, luyện toán ở đâu?", "Tìm cô giáo lớp 1 cho con"... luôn nóng khi năm học mới đang đến gần. Đáp ứng nhu cầu này, các trung tâm luyện chữ, rèn toán, dạy kỹ năng cho trẻ sắp vào lớp một cũng nở rộ.
"Các bé tuổi này còn non, vẫn đang quen chơi nên chưa tập trung, ngại học. Hơn nữa, tay các cháu rất yếu nên viết nhanh mỏi. Thực ra, ở tuổi này, mình chỉ cố gắng giúp các bé vững các nét cơ bản, đỡ bỡ ngỡ và làm quen với chữ cái", chị Hương nói. Chị cho biết, nhiều bé đến học còn nước mắt vòng quanh, mẹ phải ngồi bên cạnh mấy buổi cho quen. Một số ông bố, bà mẹ sau hơn chục buổi đi học viết cùng con cũng phải thừa nhận "bọn trẻ khổ quá". Nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy, Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng Smile's House (Láng Hạ, Hà Nội) cho biết, từ mầm non sang lớp 1 là một bước chuyển lớn với các bé. Nhiều trẻ sẽ bỡ ngỡ và có thể gặp không ít khó khăn lúc mới vào lớp 1, khi đang quen được chăm sóc, vui chơi phải chuyển sang môi trường mới, với hoạt động học tập là chính, ngồi một chỗ, viết bài, làm toán trong thời gian dài... Theo bà Thủy, nhiều phụ huynh cố gắng trang bị thật nhiều tri thức cho con, để con biết đọc, biết viết trước vì sợ nếu con chưa biết sẽ không theo kịp các bạn, sẽ sợ học, mặc cảm. Thực ra, bố mẹ cho con học trước để yên tâm, tưởng có lợi nhưng lại là bất lợi. Theo khoa học nghiên cứu, trẻ dưới 6 tuổi cơ tay còn yếu, khi cầm bút chỉ viết được những nét sổ, nghiêng, cong. Trẻ chỉ nên tô theo những nét có sẵn, tập điều khiển cơ tay để dần dần học viết nét chữ. Vì thế, ban đầu trẻ sẽ được học viết bảng. Khi học viết sớm, cơ tay yếu, trẻ dễ cầm bút tùy tiện, sai tư thế. Ngoài ra, khi phải ngồi nhiều tập viết, làm toán, trẻ sẽ căng thẳng, mệt mỏi, cảm thấy bị áp lực. Hơn nữa, khi đã biết trước các kiến thức của lớp một, vào năm học, bé dễ chán và chủ quan. Khi đó, điều cần rèn nhất cho bé chuẩn bị vào lớp một là khả năng tập trung, lắng nghe, sự tự tin, dám phát biểu đã bị thui chột. Trẻ sẽ thấy việc đi học là không quan trọng. Nhà giáo cho rằng, để chuẩn bị cho con một tâm thế tự tin trong năm đầu tiên đi học, bố mẹ cần lưu ý: - Cho trẻ làm quen với cặp sách, đồ dùng học tập, cái bút, quyển sách của mình. Có thể hướng dẫn con biết chiếc bút mở nắp rất nguy hiểm, nên con viết xong cần đậy lại. Dạy con cách giở sách, cách ghi nhớ, cách xếp sách vở vào ngăn cặp, cách đeo cặp trên vai. Khi vào năm học, bố mẹ cũng cần quan tâm đến thời khóa biểu của con để cùng bé chuẩn bị sách, đồ dùng học tập theo đúng môn học mỗi ngày, tránh để trẻ ngày nào cũng phải mang quá nhiều thứ tới trường. - Hướng dẫn bé cách ứng phó với các tình huống ở trường như khi muốn đi vệ sinh và cách tự đi vệ sinh, lúc muốn nêu ý kiến... Quan trọng nhất là giúp bé hòa nhập với môi trường, tăng khả năng tự lập, tự biết giữ sức khỏe, khi nào cởi áo, mặc áo, lúc nào cần rửa tay... - Dạy trẻ khả năng tập trung, để bé nhanh chóng làm quen với môi trường học mới. Khi con ở nhà, bố mẹ có thể tạo ra các cuộc thi như cả nhà kể chuyện cho nhau nghe, tập tô xem ai khéo hơn, nói về các chủ đề gần gũi với bé trong khoảng 30 phút... - Giúp con làm quen với ngôi trường mới. Bố mẹ có thể dẫn bé tới trường, lớp mới vài lần trước khi con đi học thực sự. Hãy chỉ cho bé thấy lớp mới có những khác biệt như thế nào so với lớp ở trường mầm non của con. Chỉ cho con thấy những đồ vật đáng yêu ở nơi mới, một cây bàng xòe tán như chiếc ô che nắng, chiếc trống trường biết kêu "tùng tùng tùng" gọi các con vào lớp hay báo hiệu đến giờ chơi... Hãy giúp con cảm thấy môi trường mới có nhiều điều thú vị, gần gũi với bé. - Khi con bắt đầu đi học, sau mỗi buổi, bố mẹ cần hỏi chuyện con về bạn bè, cô giáo, xem bé thích hay không thích gì nhất ở trường để biết cách giúp trẻ hào hứng tới lớp, dần khắc phục những khó khăn. Theo vnexpress.net |